Tổ chức đảng ra đời sớm ở Hậu Giang

02/02/2020 | 19:07 GMT+7

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 03-02-1930, là một sự kiện mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, mở ra bước ngoặt mới: chấm dứt thời kỳ bế tắc về đường lối cứu nước ở Việt Nam; kể từ đây, phong trào yêu nước và cách mạng của quần chúng nhân dân có Đảng lãnh đạo.

Quang cảnh buổi Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) tại huyện Vị Thủy. Ảnh: MỸ AN

Sau khi Đảng được thành lập, tổ chức đảng lần lượt xuất hiện ở các địa phương trong cả nước, riêng ở Hậu Giang, tổ chức đảng cũng ra đời khá sớm, điển hình ở 3 xã Long Phú, Lương Tâm của quận Long Mỹ và xã Phú Hữu, huyện Châu Thành.

Đi tìm Đảng, rước Đảng về Long Phú

Năm 1937, hai thanh niên Nguyễn Văn Bộ (Tư Bộ) và Trương Văn Bộn (Ba Bộn) chèo xuồng xuống xã Ninh Quới, quận Phước Long (thuộc tỉnh Bạc Liêu ngày nay) tìm gặp hai đảng viên cộng sản là Trần Văn Bảy và Ngô Tám để nhận sự chỉ đạo.

Được chi bộ đảng ở đây giáo dục và giao việc, hai anh trở về xã Long Phú tuyên truyền, vận động quần chúng và tổ chức ra Hội Ái hữu xã, một thời gian sau kết nạp được 5 hội viên.

Sau đó, một số đảng viên Chi bộ xã Ninh Quới, như Ngô Tám, Trần Văn Bảy, Hồng Dân… đến xã Long Phú để hoạt động gây dựng phong trào ở xóm Cá Lóc. Các anh ngụy trang làm nghề sửa nón nỉ, đờn ca tài tử, đi ghe tam bản đậu tại đập Cá Lóc và được gia đình Ba Bộn nuôi chứa, bảo vệ chu đáo. Kết quả, một số thanh niên ở Cá Lóc, Trà Nô, Trà Bang Nhỏ... của xã Long Phú chịu ảnh hưởng của Đảng từ đó.

Ngày 10-10-1937, đồng chí Ngô Tám đến họp tại nhà ông Ba Tý để thành lập Ban Chấp hành Hội Ái hữu xã Long Phú. Ban Chấp hành Hội do Trần Văn Tý làm Hội trưởng, Lê Văn Truyện (Hai Truyện) làm Hội phó, Thư ký là Trương Văn Bộn, Nguyễn Văn Thiết (Hai Thiết) phụ trách tài chánh, Lê Văn Ruộng phụ trách liên lạc...

Tính chất của Hội Ái hữu là một tổ chức quần chúng của Đảng, có điều lệ, hội phí hẳn hoi. Tôn chỉ, mục đích của Hội là đoàn kết, tương trợ trong lao động, sản xuất và đời sống, tiến lên làm cách mạng đánh đổ đế quốc, phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nội dung sinh hoạt thường lệ gồm sinh hoạt chủ trương của cấp trên, đọc báo “Dân Chúng”, làm công tác nội bộ. Nhiệm vụ của hội viên là tuyên truyền, giáo dục, gây ảnh hưởng của Hội trong quần chúng, giới thiệu kết nạp hội viên mới…

Sau một thời gian giao việc thử thách, tháng 10-1938, đồng chí Ngô Tám đến ấp Long Bình làm lễ kết nạp đảng viên và lập ra Chi bộ xã Long Phú. Chi bộ gồm 3 đồng chí: Phan Văn Biện (Hai Biện) làm Bí thư, Nguyễn Văn Bộ làm Phó Bí thư và đảng viên Trương Văn Bộn. Địa điểm sinh hoạt chi bộ tại tiệm hớt tóc của Tư Bộ, ở Trà Bang Nhỏ.

Sau ngày thành lập, Chi bộ lấy Hội Ái hữu làm bình phong, tích cực hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng bằng hình thức bí mật, chiều sâu, theo hệ thống tổ chức Hội Ái hữu. Đồng thời, sử dụng hình thức tuyên truyền bất hợp pháp như rải truyền đơn, treo cờ Đảng (năm 1938, rải tuyền đơn ở xóm Cá Lóc và tại chợ quận Long Mỹ).

Đáng chú ý là ngày 29-12-1939, 3 đồng chí Hai Biện, Tư Bộ và Hai Tốt treo cờ đỏ búa liềm trên sợi dây thép căng ngang bến phà sông Trà Bang Nhỏ. Lá cờ Đảng hiên ngang phất phới trên cao giữa sông, quần chúng rất phấn khởi, địch thì hốt hoảng, cả buổi sáng không biết làm sao hạ lá cờ xuống. Đây là sự kiện gây ấn tượng và tiếng vang lớn trong vùng.

Hoạt động của Chi bộ xã Long Phú còn gây ảnh hưởng qua các xã lân cận như Thuận Hưng, Long Trị, Long Bình... Sau Nam kỳ khởi nghĩa, phong trào bị địch đàn áp dã man, nhiều đồng chí bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Nhưng dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào cách mạng của quần chúng không ngừng lớn mạnh, lúc cao trào, quần chúng đã vùng lên lật đổ chính quyền tay sai (Cách mạng Tháng 8 năm 1945).

Khi ấy, Long Phú là lá cờ đầu về phong trào cách mạng ở quận Long Mỹ. Đội du kích Long Phú nổi tiếng với biệt danh “Hùm sám” đã tiểu trừ nhiều Việt gian và địa chủ ác ôn trong vùng, làm cho địch hoang mang…

Đồng chí Võ Văn Kiệt đến Lương Tâm lập chi bộ đảng

Nhân dân Lương Tâm có truyền thống yêu nước, cách mạng. Trước năm 1930, xuất hiện một số phong trào yêu nước chống Pháp như “Thiên địa hội”, “Kèo xanh, kèo vàng”...

Năm 1933, có 2 đảng viên cộng sản là Nguyễn Văn Rằn và Nguyễn Văn Trung từ Bến Tre qua đây trong vai nông dân. Thực chất hai đồng chí đến đây là để gây dựng cơ sở, giác ngộ, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng trong Nhân dân địa phương. Qua đó, dần dần đã có không ít người giác ngộ cách mạng, trong đó có Nguyễn Công Bằng (Tám Bằng), Nguyễn Văn Khá, Lê Văn Hoặc...

Năm 1940, trước hành động bạo ngược của bọn địa chủ cường hào, các đảng viên đã tổ chức người (ông Nguyễn Thành Thêu) rải truyền đơn với nội dung đòi bọn chúng không được tăng tô, tăng thuế, đòi phải xóa bỏ thuế nợ cũ; đồng thời, cũng lên án, cảnh cáo hành động trịch thượng của bọn chúng. Lo sợ sức mạnh của quần chúng, bước đầu, bọn chúng tỏ thái độ nhân nhượng và nể sợ. Đây là thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, khẳng định uy tín của những cộng sản.

Năm 1941, đồng chí Nguyễn Thành Thêu và Bảy Thầy Chùa (không rõ họ tên) trực tiếp lãnh đạo phong trào ở đây. Các đồng chí đã giác ngộ được một số quần chúng tốt như: Nguyễn Văn Khá, Ngô Thiện Lời, Trương Văn Sơn... Năm 1941, sau khi đồng chí Nguyễn Thành Thêu chuyển hoạt động nơi khác, đồng chí Bảy Thầy Chùa bị địch bắt và thủ tiêu.

Tháng 10-1941, đồng chí Võ Văn Kiệt về hoạt động và phát triển phong trào cách mạng ở vùng đất Lương Tâm. Tại đây, đồng chí đã sàng lọc, dìu dắt các đồng chí Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Văn Khá, Lê Văn Hên và Lê Văn Hoặc; tổ chức, hướng dẫn cho các đồng chí học tập Điều lệ Đảng, học tập chính trị (lấy tờ báo “Chiến Đấu” làm tài liệu), thông tin tình hình thế giới nhằm nâng cao nhận thức của cốt cán nơi đây. Năm 1942, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ở Lương Tâm phát triển lên cao, cần có chi bộ đảng để lãnh đạo.

Đêm 19-5-1942, đồng chí Võ Văn Kiệt tổ chức lễ kết nạp đảng viên đầu tiên ở Lương Tâm. Tổ chức trong hoàn cảnh bí mật, tuy không băng cờ, khẩu hiệu nhưng buổi lễ diễn ra trang trọng, thiêng liêng. Các đồng chí được kết nạp vào Đảng là Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Văn Khá, Lê Văn Hên và Lê Văn Hoặc vô cùng xúc động, nắm tay nhau thề trước cờ Đảng (cờ Đảng do các đồng chí tưởng tượng ra): “Nguyện suốt đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân”.

Cũng tại buổi lễ này, đồng chí Võ Văn Kiệt tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng xã Lương Tâm, đồng chí Nguyễn Công Bằng được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Kể từ đây về sau, phong trào đấu tranh của quần chúng nơi đây có sự lãnh đạo của chi bộ đảng.

Chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Hai Đôn, khí thế cách mạng ở Lương Tâm hừng hực trào dâng như “nước vỡ bờ”.

Nhân lúc bộ máy chính quyền địch ở địa phương hoang mang, rệu rã, Nhân dân đã nhất tề vùng lên đánh đổ chính quyền tay sai, thiết lập chính quyền nhân dân. Nhân dân Lương Tâm mừng vui tột độ khi đã được cách mạng cứu giúp đổi đời!

Sau Long Phú và Lương Tâm, chi bộ đảng ở các xã khác trong quận Long Mỹ và tỉnh Hậu Giang cũng được thành lập, kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng, tích cực chuẩn bị và tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945 ở Long Mỹ.

Như vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản xuất hiện rất sớm ở Hậu Giang: Năm 1933, có 2 đảng viên hoạt động ở Lương Tâm chỉ 3 năm sau khi Đảng được thành lập…

Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hậu Giang cảm thấy tự hào khi có một số chi bộ được khai sinh sau khi Đảng ra đời vài năm (Chi bộ xã Phú Hữu ra đời cách nay 82 năm; Chi bộ xã Lương Tâm cũng tròn 78 năm tuổi...). Đây là những hạt giống đỏ đầu tiên của Đảng bộ Hậu Giang đã đâm chồi nảy lộc, không ngừng đơm hoa kết trái, góp phần cùng toàn Đảng thêu dệt nên những mùa xuân của đất nước và dân tộc suốt chặng đường 90 năm vẻ vang…!

Tự hào về Đảng, chúng ta nguyện trung thành với lý tưởng của Đảng, quyết tâm xây dựng để Đảng ta mãi là đạo đức, là văn minh, vững tay lái để đưa đất nước đến bến bờ phồn vinh!

LÊ HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>