An toàn giao thông ở xã nông thôn mới

16/07/2019 | 07:44 GMT+7

Ngoài nâng cấp, sửa chữa giao thông thông thoáng thì công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ được các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thường xuyên thực hiện.

Người dân ở xã nông thôn mới chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, có trên 30km Quốc lộ 61 và nông thôn. Những năm trước, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn khá phức tạp, người dân không đội nón bảo hiểm; chở 2, chở 3 khi tham gia giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt va chạm, tai nạn giao thông hầu như năm nào cũng có. Thế nhưng, kể từ khi xã được công nhận nông thôn mới đến nay thì tình trạng trên giảm hẳn.

Ông Trần Văn Tây, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, cho biết: “Năm 2017 đến nay, trên địa bàn không xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào. Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân nâng lên rất rõ”.

Kết quả trên là nhờ xã đẩy mạnh nhiều biện pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền với việc thành lập 2 mô hình về ATGT là “Phụ nữ tiêu biểu ATGT” và “Thanh niên với văn hóa giao thông”.

Hai mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến hội viên, đoàn viên thông qua các buổi họp nhóm, họp tổ, chi đoàn; tổ chức hội thi, hội diễn về trật tự ATGT; phối hợp ngành chức năng phát tờ bướm liên quan đến pháp luật giao thông đường bộ.

Xã còn đề nghị hộ dân trên địa bàn ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT; phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông và trật tự cơ động Công an huyện lập danh sách những người từng vi phạm luật trên địa bàn nhằm đánh giá, bình xét gia đình văn hóa hàng năm.

Xã còn treo hình ảnh trực quan về một số vụ tai nạn giao thông; niêm yết mức xử phạt vi phạm hành chính một số lỗi thường gặp; phát quang cây che khuất tầm nhìn…

Nhiều năm qua, mỗi khi tham gia giao thông dù gần hay xa, ông Lê Văn Thắng, ở ấp 9, đều đội nón bảo hiểm. Theo ông, việc đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông không chỉ chấp hành đúng quy định mà còn thể hiện văn hóa giao thông. “Tôi thường xuyên căn dặn con cháu đã uống rượu, bia thì không lái, như thế không chỉ an toàn cho mình mà những người xung quanh”, ông Thắng cho hay.

Còn tại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân cũng khá tốt. Nhiều năm qua, ngoài không xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn thì có khá ít cá nhân bị cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm.

Ông Trần Thanh Liêm, Trưởng Công an xã Thuận Hưng, cho biết: “Ngoài tuyên truyền, chúng tôi còn thường xuyên tuần tra trên một số tuyến đường thuộc thẩm quyền để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm; gọi hỏi, giáo dục trường hợp có nguy cơ vi phạm để họ chấp hành nghiêm quy định. Đặc biệt là vận động người có uy tín ở địa phương nhắc nhở những trường hợp có nguy cơ vi phạm quy định về giao thông”.

Bên cạnh mặt tích cực thì một bộ phận người dân ở xã nông thôn mới có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ chưa cao, thường vi phạm các lỗi về không đội nón bảo hiểm, chạy tốc độ cao, lái xe khi nồng độ cồn vượt trong người quá quy định…

Theo ngành chức năng, một trong những nguyên nhân là việc xử lý vi phạm của ngành chức năng, địa phương chưa mạnh tay và do ý thức chấp hành của người dân.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu ban ATGT cấp huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, nhất là xã nông thôn mới đẩy mạnh nhiều biện pháp đảm bảo trật tự ATGT, nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả. Yêu cầu cảnh sát giao thông cấp huyện, công an xã tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến nông thôn nhằm xử lý kịp thời trường hợp vi phạm, ngăn chặn tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra”.

Được công nhận xã nông thôn mới là sự phấn đấu không ngừng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương. Để giữ vững danh hiệu này, mỗi người cần chung tay, góp sức vào các hoạt động địa phương đề ra, trong đó có trật tự ATGT.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>