Cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông đường thủy

09/09/2020 | 09:15 GMT+7

Trong vòng một tháng (từ ngày 31-7 đến 29-8), trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm 2 người tử vong. Qua đó cho thấy, giao thông đường thủy nội địa khá phức tạp, luôn tiềm ẩn tai nạn.

Người dân phải cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông đường thủy.

Khoảng 16 giờ ngày 31-7, bà Lê Thị Diện, ngụ ấp Vĩnh Hòa 4, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, bơi vỏ lãi từ bờ chợ Phường VII sang bờ thuộc ấp 1, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh (trên kênh xáng Xà No). Khi bơi cách bờ thuộc ấp 1, xã Vị Tân khoảng 16m thì bị tàu gỗ trọng tải 11 tấn do ông Nguyễn Thành Trung, ngụ ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, điều khiển hướng từ thành phố Vị Thanh về huyện Gò Quao đụng ngang, làm vỏ lật úp, bà Diện chìm xuống kênh xáng và chết ngạt.

Theo trung tá Trần Quốc Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an thành phố Vị Thanh, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn trên có phần lỗi của cả bà Diện và ông Trung. Cụ thể, bà Diện lái phương tiện thô sơ nhưng không nhường đường cho phương tiện có động cơ khi hai phương tiện đi cắt hướng nhau; còn ông Trung thì phương tiện không đủ điều kiện hoạt động và không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.

Hay mới đây, trên địa bàn xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 1 người tử vong. Theo đó, khoảng 1 giờ ngày 29-8, Trương Thái Thuận, sinh năm 1995, ngụ ấp 4, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, điều khiển vỏ máy đi từ xã Vị Bình về xã Vị Thanh trên kênh xáng Xà No thì va chạm với một vỏ máy khác. Sau đó, Thuận ngã xuống kênh xáng dẫn đến tử vong, còn đối tượng kia bỏ trốn khỏi hiện trường.

Theo ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn trên một phần là do hai người điều khiển phương tiện thiếu quan sát và không có đèn chiếu sáng vào ban đêm.

Những năm qua, mặc dù giao thông đường bộ của tỉnh phát triển khá nhanh, nhiều người mua xe gắn máy, ô tô phục vụ cho việc đi lại, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân dùng vỏ lãi, ghe, xuồng... Thế nhưng, nhiều người chưa am hiểu Luật Giao thông đường thủy nội địa nên thường xuyên vi phạm một số lỗi: không đăng ký, đăng kiểm; không trang bị các thiết bị an toàn cho người và phương tiện; người lái phương tiện thủy không giấy phép điều khiển, không nhường đường, đến ngã ba, ngã tư không giảm tốc độ; chưa thành niên cũng tham gia lái phương tiện thủy...

Là người mua bán lúa, gạo nhiều năm qua với ghe gỗ khoảng 20 tấn, ông Lê Văn Tới, ngụ xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thường xuyên chứng kiến cảnh người lái phương tiện thô sơ qua kênh, sông thiếu quan sát hay đến ngã ba, ngã tư không giảm tốc độ.

Ông Tới kể, có lần đang điều khiển phương tiện chở gạo hướng từ xã Hỏa Tiến đến xã Tân Tiến (trên sông Cái). Khi đến ngã ba Hóc Hỏa (Hỏa Tiến giáp ranh Tân Tiến) thì bất ngờ có một người điều khiển vỏ lãi chở nhiều người chạy tốc độ khá cao ra sông Cái. Do có nhiều kinh nghiệm điều khiển phương tiện thủy, ông Tới ra tín hiệu cho người điều khiển vỏ và lách sang trái nên không xảy ra va chạm.

“Nhiều người nghĩ, người lái phương tiện thô sơ thì vô tư lái, phương tiện lớn hơn sẽ tránh. Giao thông đường thủy thấy vậy nhưng rất phức tạp, nếu xảy ra va chạm thì hậu quả khó lường”, ông Tới chia sẻ.

Theo ngành chức năng, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, thời gian qua ngoài tuyên truyền còn tăng cường biện pháp kiểm tra việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông như: đăng ký, đăng kiểm; giấy phép điều khiển; trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm... Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp chấp hành chưa nghiêm, hay chưa am hiểu Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhất là các phương tiện thô sơ.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa đến người dân sinh sống cặp các sông, kênh, rạch để hiểu và chấp hành nghiêm”, đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết.

Ngành chức năng khuyến cáo, khi tham gia giao thông thủy, phương tiện có trọng tải lớn cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, thường xuyên kiểm tra các thiết bị cần thiết và sửa chữa kịp thời nếu hư hỏng. Còn đối với phương tiện thô sơ, khi đến ngã ba, ngã tư phải giảm tốc độ; trang bị đèn chiếu sáng nếu tham gia giao thông vào ban đêm, khi đến đường cong, hẹp cần chủ động nhường đường…

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>