Chuyện mặc áo phao khi đi đò

14/11/2017 | 09:02 GMT+7

Tìm kiếm trên Google câu “không mặc áo phao khi đi đò”, trong 0,44 giây cho ra trên 3,8 triệu kết quả. Cũng trên Google, khi tìm kiếm “mặc áo phao khi đi đò” chỉ cho 656.000 kết quả, nhưng từ khóa ấy lại đi kèm với thuật ngữ xử phạt khi không thực hiện chứ không phải là địa phương, địa điểm nào làm tốt việc mặc áo phao khi đi đò/phà.

Trên giao diện này, độc giả còn thấy được nhiều cụm từ “thờ ơ”, “nói thì dễ nhưng làm khó” hay “xem nhẹ”, “ngại” mặc áo phao khi qua đò ngang trên sông/kênh.

Đây là một thực tế trước và sau khi quy định bắt buộc người qua đò, phà phải mặc áo phao hoặc mang dụng cụ nổi (Nghị định 132/CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa), nhưng không nhiều người thực hiện.

Có rất nhiều lý do biện minh cho hành vi trên như đã nêu, còn có việc người qua đò vì biết bơi/lội nên cảm thấy an toàn; vì chỉ qua một đoạn kênh ngắn; vì áo phao dơ; vì trên đò chỉ có vài người; vì nóng nực; vì ít sóng to, ít gió lớn, nước chảy không siết… Vì vậy, người đi đò quên mặc, người chạy đò quên nhắc mặc áo phao.

Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ quy định bắt buộc mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi khi đi đò ngang mà trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã có quy định nhưng hầu như không có hiệu lực. Và trước thực trạng người đi đò không quan tâm mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi, khi đò chìm, nhiều người bị nước cuốn trôi, gây ra nhiều đau thương cho các gia đình nên Chính phủ phải đưa quy định này vào Nghị định 132.

Có lẽ rất nhiều người chấp nhận đây là quy định nhân văn, vì tính mạng, sức khỏe chung của toàn dân, nhưng cũng chấp nhận vi phạm vì thấy thừa thừa một cái gì đó.

Thói quen của người dân Hậu Giang hiện nay là xuống đò ngang trả tiền rồi chờ đò qua đến bến bên kia thì lên bờ tiếp tục hành trình. Lấy áo phao mặc là hành động khác người!

Còn nhớ đầu năm 2008, khi Chính phủ quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường cũng có nhiều trường hợp chê - khen, than thở đội “nồi cơm điện” trên đầu. Khi ấy, mọi trường hợp vi phạm đều bị xử phạt, vậy là luật pháp được thực thi nghiêm túc.

Đối với mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi khi qua đò, nên chăng phải “thiết quân luật”?

Sống, sinh hoạt vùng sông nước, nhiều người đã tự trang bị cho mình khả năng bơi lội. Khi lênh đênh trên sông nước họ luôn có sự tự tin. Mặc dù vậy, với nhiều người biết bơi, khi đò có sự cố, đây chỉ mới là điều kiện cần; điều kiện đủ là khi gặp tai nạn, để thoát thân, người ấy phải không bị ai đu đeo, bám víu. Còn với người chưa biết bơi thì áo phao hay vật nổi phải chăng là vật bất ly thân khi trên đò?

Nghị định 132 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, từ đó đến nay (trước là Thông tư 12/2012 của Bộ Giao thông Vận tải) quy định bắt buộc mặc áo phao hay mang vật nổi khi qua đò chưa được thực thi nghiêm. Áp dụng pháp luật để xử phạt thật sự chưa nhiều (thậm chí chưa có); chấp hành pháp luật trong người dân chưa chuyển biến. Tính hợp tình, hợp lý của quy định này phải chăng đang ở chừng mực?

Cần cưỡng chế thi hành quy định đã có hiệu lực để nguyên tắc pháp chế được giữ nghiêm; hoặc khi mà số đông không chấp hành pháp luật thì cần đánh giá, quy định lại cho sát với thực tế.

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>