Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy

13/09/2019 | 07:53 GMT+7

Hơn 10 năm qua, huyện Châu Thành A không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa, tuy nhiên, không vì thế mà đơn vị chủ quan, lơ là...

Một bến đò ngang ở huyện Châu Thành A chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Châu Thành A có gần 70km giao thông thủy nội địa, 12 bến đò ngang; có nhiều công ty, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng liên quan đến vận thủy, tai nạn luôn rình rập, do đó, đơn vị không ngừng tăng cường nhiều biện pháp đảm bảo trật tự.

Cụ thể, Công an huyện phối hợp với ngành chức năng kiểm tra trật tự an toàn giao thông tại các bến đò ngang. Nội dung về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy đăng ký, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hoạt động tại bến; chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận học tập pháp luật đường thủy nội địa của người lái.

Song song đó là yêu cầu, kiểm tra việc chấp hành quy định của bến đò vị trí bến đò có địa hình, thủy văn ổn định; đò ra, vào phải an toàn, thuận lợi; phải có cầu dẫn, phương tiện giao thông được lên xuống tiện lợi; có thiết bị neo buột; có đèn chiếu sáng hoạt động ban đêm; có đủ phao, áo cứu sinh.

“Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm, trước tiên chúng tôi nhắc nhở, tuyên truyền hoặc lập biên bản xử lý. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi thường xuyên kiểm tra những nội dung trên và không phát hiện trường hợp nào vi phạm”, trung tá Trần Văn Hiền, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động, Công an huyện Châu Thành A, cho biết.

Kinh doanh bến đò ngang tại thị trấn Một Ngàn gần 20 năm, ông Lê Chí Phụng hiểu rõ tầm quan trọng của đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy. Do vậy, ông trang bị cho mình các chứng chỉ hành nghề, dụng cụ phao, áo cứu sinh theo quy định. Khi đưa khách sang kênh xáng Xà No, ông còn yêu cầu không ra mũi đò, không đùa giỡn trên đò. Những lúc trời mưa kèm theo giông lốc, đò của ông không hoạt động.

Những năm qua, người dân rất an tâm khi qua đò của ông Phụng. “Đưa đò nhiều năm, lúc nào tôi cũng ưu tiên sự an toàn của hành khách là trên hết, không vì thu nhập trước mắt mà mạo hiểm”, ông Phụng cho biết.

Ông Huỳnh Thanh Toàn, ở thị trấn Một Ngàn, thường xuyên qua bến đò này. Mỗi lần qua, ông đều chú ý đến việc đò có chở đúng số lượng xe, hành khách quy định; việc chấp hành các quy định khi qua đò của hành khách. “Không chỉ bến đò này mà các bến ở đây tôi thấy hoạt động rất cẩn thận”, ông Toàn cho biết.

Tại bến đò của ông Phan Vũ Phương, ở ấp 2B, thị trấn Bảy Ngàn, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa cũng được thực hiện nghiêm.

Quy định đò của ông Phương mỗi lượt đưa 4 xe gắn máy, 8 hành khách thì không khi nào ông đưa vượt. “Thà mình đưa chậm nhưng an toàn; còn nếu đưa vượt thì nguy hiểm cho khách và có thể bị xử phạt”, ông Phương cho biết.

Bên cạnh kiểm tra các bến đò, ngành chức năng còn thường xuyên vận động hộ dân sống ven sông, kênh không xây, cất, chất chà, đặt dớn… ảnh hưởng đến tầm nhìn, lưu thông. “Mới đây, chúng tôi còn phối hợp ngành chức năng, địa phương ra quân nhổ cọc trên các kênh, sông gây cản trở dòng chảy, lưu thông”, trung tá Hiền cho biết thêm.

Theo Công an huyện Châu Thành A, tuy nhiều năm qua trên địa bàn không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nhưng vẫn tiềm ẩn sự cố. Bởi kênh xáng Xà No có lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, nhiều trường hợp chở hàng hóa vượt quy định nhưng rất khó xử lý; một số hộ dân có nhà cặp tuyến kênh xáng không chịu di dời…

Đại tá Nguyễn Xuân Thành, Trưởng Công an huyện Châu Thành A, cho biết: “Tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với ngành chức năng trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy; đẩy mạnh xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” trên các tuyến và địa bàn giao thông thủy trọng điểm. Qua đó, góp phần phòng ngừa tai nạn, giảm thiệt hại, đảm bảo trật tự an toàn giao thông huyện nhà”.                    

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>