Giao thông kết nối

14/02/2021 | 05:51 GMT+7

Với sứ mệnh mở đường, hạ tầng giao thông Hậu Giang đã tạo được sức bật cho khu vực nông thôn và mở thêm nhiều tuyến đường huyết mạch kết nối vùng.

Hậu Giang có 6 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tạo thành trục giao thông đối ngoại cơ bản đáp ứng yêu cầu giao thương và trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong khu vực.

Mở rộng mạng lưới

Trở lại Hậu Giang sau hơn 30 năm xa cách, ông Bùi Văn Hòa, đến từ tỉnh Thanh Hóa, vui mừng cho biết: “Ngày xưa, tôi và anh em công tác ở vùng Long Mỹ, quen từng cành cây ngọn cỏ, từng con đường mòn. Nhưng trở lại Hậu Giang lần này tôi không khỏi xúc động, đường sá được mở mang nhiều quá. Nhà cửa khang trang, đẹp lắm! Ven trục Đường 930B vào xã Xà Phiên tôi thấy rất nhiều ngôi nhà khang trang nằm san sát nhau. Quả thật, vùng quê ngày nào giờ đây nhiều thay đổi!”.

Không chỉ có xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ mà các địa phương trong tỉnh đều phát triển hệ thống giao thông liên xã, liên huyện và tận xóm ấp. Đây là kết quả từ Chiến dịch giao thông - thủy lợi.

Những ngày cuối năm, tuyến giao thông cửa ngõ vào trung tâm tỉnh lỵ rợp sắc hoa vàng.

Từ năm 2004 đến nay Hậu Giang xây dựng được trên 6.800km đường nông thôn. Những năm gần đây, các tuyến đường được đầu tư theo chuẩn nông thôn mới, quy mô, kết cấu từ 3,5m trở lên đã giúp bức tranh giao thông nông thôn có nhiều thay đổi.

Bên cạnh đó, ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng tập trung đầu tư hệ thống đường huyện, đặc biệt là các trục đường đô thị để từng bước hình thành và phát triển hệ thống giao thông theo quy hoạch, để chỉnh trang, phát triển đô thị và thu hút đầu tư.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Giao thông là chủ lực trong tất cả nhiệm vụ chiến lược về phát triển xã hội. Muốn phát triển đô thị thì phải có giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ lớn. Muốn nông thôn phát triển thì giao thông nông thôn phải đi đầu”.

Phố phường Vị Thanh những ngày cuối năm, không khí mua bán rộn ràng hẳn. Dọc các trục đường nội ô, phố xá nhộn nhịp đủ các quầy hàng kinh doanh. Trục đường Đoàn Thị Điểm, ở phường I, năm nay được nâng cấp bằng phẳng. Nhờ vậy mà các dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tết của người dân cũng mọc lên đa dạng. Tuyến này là một trong 6 trục đường nội ô thành phố hoàn thành việc nâng cấp trong năm 2020. Từ đây, tôn lên vẻ đẹp của đô thị trung tâm tỉnh, để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách. Ông Kosuke Murakami đến từ Nhật Bản, tâm đắc: “Hậu Giang có nhiều tuyến đường rộng thoáng. Trong nội ô thành phố Vị Thanh không quá ồn ào, nhưng nhiều tuyến đường có cây xanh rất đẹp”.

Hiện nay, Hậu Giang có 6 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài trên 158km, tạo thành mạng lưới giao thông đối ngoại, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa với các tỉnh, thành trong khu vực. Cùng với hệ thống đường quốc lộ, 5 năm qua, hệ thống đường tỉnh cũng được quan tâm đầu tư. Cụ thể như Đường tỉnh 927C kết nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ Nam Sông Hậu, Đường tỉnh 930 từ thị xã Long Mỹ đi Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đường tỉnh 931 kết nối thành phố Vị Thanh với huyện Long Mỹ, tạo tiền đề kết nối với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đầu tư mở rộng Đường tỉnh 930B, kết nối với huyện Gò Quao, tạo điều kiện đi lại và phát triển thương mại - dịch vụ với tỉnh Kiên Giang. Nghiên cứu đề án kết nối giao thông thủy bộ giữa Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, từ đó hình thành trục hành lang kinh tế mới cho tỉnh.

Kết nối liên vùng

Cuối năm 2020, nhiều tuyến đường thuộc dự án trọng điểm của tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó phải kể đến tuyến giao thông huyết mạch 927C. Đây là trục đường có vai trò quan trọng trong giao thương và vận chuyển hàng hóa, kết nối liên vùng.

Lom khom quấn mấy dây kẽm uốn lại dáng mai trước nhà, ông Lê Văn Tâm, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tâm đắc: “Từ hồi mở con đường này, miếng đất của tôi thành 2 mặt tiền. Mảnh vườn ngày nào tuốt trong hậu giờ thành đất có giá trị nằm ven trục đường tỉnh. Rồi đây, nhiều căn nhà, quán xá mọc lên khai thác dịch vụ bởi đây sẽ là tuyến đường xe cộ đông đúc. Đời sống người dân sẽ có nhiều đổi thay trong tương lai gần”.

Tuyến đường mới được thông xe đã mang lại “làn gió mới” cho những xã có tuyến đi qua, cải thiện điều kiện đi lại cho người dân. Với chiều dài hơn 15km, đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch kết nối từ Quốc lộ 1A đến Quốc lộ Nam Sông Hậu. Rút ngắn thời gian di chuyển đến các tỉnh lân cận.

Tâm đắc với tuyến đường này, lãnh đạo UBND thành phố Ngã Bảy, cho hay: Đường tỉnh 927C hoàn thành đã khẳng định tầm nhìn chiến lược trong phát triển hạ tầng giao thông của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Dự án tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Ngã Bảy kết nối giao thông với Quốc lộ Nam Sông Hậu và huyện Châu Thành, nơi có cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, Khu công nghiệp của tỉnh. Điều kiện lý tưởng cho việc giao thương hàng hóa, vận chuyển nguyên liệu nông sản phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Đây cũng là cơ hội cho thành phố mời gọi đầu tư khai thác cụm công nghiệp 50ha ở xã Tân Thành đã được phê duyệt quy hoạch. Ngoài ra, việc kết nối một số tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp góp phần kéo giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng chất xã nông thôn mới nâng cao, phường văn minh đô thị. Đặc biệt 1,7km đầu tuyến được đầu tư với lộ giới, chiều rộng mặt lộ 14m cùng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật như vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh đã nâng chất tiêu chuẩn thành phố trực thuộc tỉnh.

Để tạo động lực cho tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối các địa phương trong tỉnh và kết nối tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành trong khu vực. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh hệ thống logictics mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, thương mại. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Mai Văn Tân nhận định: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong nhiệm kỳ qua đã góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, kết nối hạ tầng giao thông tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành trong khu vực. Giao thông nông thôn ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Nhân dân, phục vụ đắc lực cho các hoạt động thương mại - dịch vụ. Trong tương lai, Chính phủ sẽ đầu tư ba tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đây là những dự án có tầm chiến lược của khu vực, tạo cơ hội cho Hậu Giang kết nối nhanh với các tỉnh, thành ở ĐBSCL.

Cùng với mạng lưới giao thông hiện hữu, những năm tiếp theo, tiềm năng của tỉnh sẽ tiếp tục được khai thác từ những tuyến giao thông trọng điểm sẽ đi qua địa bàn như: Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Đây là 1 trong 2 tuyến cao tốc trục dọc trong khu vực ĐBSCL. Tuyến kết nối vào 2 tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu tạo thành trục kết nối liên hoàn qua hầu hết 13 tỉnh, thành ĐBSCL, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực. Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh. Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự kiến sẽ được đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng, từng bước hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định 326 của Thủ tướng Chính phủ.

KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>