Hiểm họa từ xe chở cồng kềnh

11/06/2019 | 07:02 GMT+7

Quy định xử phạt hành chính đối với xe mô tô, xe gắn máy... chở hàng hóa cồng kềnh có hiệu lực từ lâu và được lực lượng chức năng thực hiện khá nghiêm nhưng đến nay vẫn còn.

Chở hàng hóa cồng kềnh ở thành phố Vị Thanh.

Hình ảnh xe gắn máy, xe ba gác, xe lôi chở rau quả, trái cây, thịt, tôn, sắt… cồng kềnh, không khó bắt gặp ở các tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh. Những xe này được cơi nới thêm phía sau yên, bên hông để chở hàng. Khi chở hàng quá lớn, quá dài hay quá nặng, người điều khiển xe có tư thế ngồi… không bình thường nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông (do khó xử lý kịp khi gặp tình huống bất ngờ).

Anh Nguyễn Văn Tẻn, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, chạy xe lôi chở rau, thịt để bán hơn 10 năm qua, cho biết: “Tôi biết việc chở hàng hóa cồng kềnh là vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), thậm chí nguy cơ tai nạn, nhưng vì mưu sinh nên đành đánh đổi”.

Còn anh Nguyễn Văn Xem, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, thừa nhận: “Chở hàng cồng kềnh sẽ làm cản trở, thậm chí gây tai nạn giao thông cho các phương tiện khác lưu thông trên đường. Mình chở thuê nên chủ giao xe thì chạy”.Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, xe mô tô, xe gắn máy không được chất hàng hóa, hành lý vượt quá tải trọng giá chở hàng hay thiết kế của nhà sản xuất, mỗi bên cho phép 0,3m, vượt quá phía sau giá chở hàng là 0,5m, chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường lên xe chạy là 2m.

Ngoài xe mô tô, xe gắn máy, tại nhiều tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh, có không ít xe ba gác cũng vi phạm lỗi trên. Hầu hết các xe này khi bị lực lượng cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng lại kiểm tra thì đều chở quá tải trọng gấp 2-3 lần, nhiều chủ phương tiện còn không có giấy phép lái xe. Ông Trương Công Đỉnh, ở phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Chở đúng trọng tải theo quy định thì chạy xe đâu có lời”.

Dẫu biết cuộc sống nhiều gia đình còn khó khăn, vất vả, nhưng không vì thế mà bất chấp nguy hiểm, xem thường pháp luật về trật tự ATGT. Hơn nữa, chở hàng hóa cồng kềnh chạy với tốc độ cao là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và nguy cơ dẫn đến tai nạn cho người tham gia giao thông, lúc đó, muốn rút kinh nghiệm thì đã muộn.

Theo cảnh sát giao thông nhiều địa phương, việc xử lý xe gắn máy, xe ba gác chở cồng kềnh gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng; nhiệm vụ của lực lượng là tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự ATGT và xử lý vi phạm, nhưng những trường hợp này biết được thời gian hoạt động của lực lượng nên tránh đi lúc đó hoặc đi trong các đường nhỏ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Lâm Thành đề nghị ban ATGT và lực lượng công an các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở các chủ xe không được chở cồng kềnh, quá khổ nhằm giúp họ nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về giao thông. Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông cần phối hợp ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những xe gắn máy, ba gác chở hàng cồng kềnh, che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng đến trật tự ATGT…

Theo Nghị định 46 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với người điều khiển xe thô sơ xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn sẽ bị phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>