Nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

02/07/2018 | 07:25 GMT+7

Mới đây, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về công tác đảm bảo trật tự ATGT 6 tháng đầu năm. Tại đây, các sở, ngành, địa phương đã tập trung đề xuất nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông thời gian tới.

Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Sáu tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 63 vụ tai nạn giao thông, làm 55 người chết, 28 người bị thương, so với cùng kỳ tăng 12 vụ, tăng 18 người chết, tăng 6 người bị thương. Cho nên mở đầu hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm kiềm chế tai nạn giao thông.

Từ ngày 16-11-2017 đến 15-6-2018, huyện Phụng Hiệp xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông (trong đó có 23 vụ xảy ra trên các tuyến quốc lộ, 9 vụ trên các tuyến tỉnh lộ), làm 34 người chết, 18 người bị thương. Nếu so với cùng kỳ thì tăng 19 vụ, tăng 21 người chết, tăng 6 người bị thương.

Nguyên nhân tăng đột biến là do hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập, mặt đường hẹp, nhất là Quốc lộ 61; nhiều đoạn đường có lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, nhưng không có đèn chiếu sáng vào ban đêm; lưu lượng phương tiện tăng nhanh, nhất là từ thị trấn Kinh Cùng đến thị trấn Cái Tắc, tuy nhiên ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn hạn chế.

Ngoài ra, một số chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc đảm bảo trật tự ATGT; trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trật tự ATGT còn thiếu…

Trước tình hình đó, ông Lê Công Lý, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền trên các hệ thống truyền thanh cấp huyện và xã; tuyên truyền trực tiếp thông qua hội họp, gặp gỡ ở các khu dân cư, trường học; giải tỏa những trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường; lắp đặt đèn tín hiệu ở các điểm phức tạp về giao thông trên địa bàn…”.

Đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Châu Thành A cũng tăng cả 3 mặt so với cùng kỳ. Theo lý giải của lãnh đạo huyện, ngoài những vấn đề thường gặp thì số cuộc tuần tra, kiểm soát và lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện công tác này giảm; phần lớn các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn là người ngoài địa phương…

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ cho triển khai lắp một số loa tuyên truyền tại các vị trí giao lộ như ngã tư, kết hợp với xây dựng những mô hình ấp kiểu mẫu về ATGT; tăng cường cán bộ, chiến sĩ ở bộ phận khác để tham gia tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT”, ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, thông tin.

Theo Ban ATGT tỉnh, phải thừa nhận rằng tai nạn giao thông tăng trong thời gian qua còn do công tác tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả; ý thức một bộ phận người tham gia giao thông chưa chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ; công tác quản lý hành lang ATGT còn nhiều bất cập, việc xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe.

 “Khi đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 chỉ thu hồi đất để thi công phần đường, chứ không thu hồi đất cho hành lang đường bộ. Vì thế hiện nay có nhiều ngôi nhà nằm sát rãnh thoát nước của tuyến quốc lộ này, nên chỉ vài bước chân là tới mặt đường, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao”, ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, băn khoăn.

Với mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% trên cả 3 mặt trong những tháng cuối năm, các ngành, địa phương còn đề xuất thêm một số giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là các trường hợp lái xe sau khi uống rượu, bia; tăng cường tuần tra, kiểm soát ở tất cả tuyến đường, bảo đảm khép kín địa bàn 24/24 giờ.

Riêng đối với các địa phương, cần xử lý dứt điểm tình trạng xe dù, bến cóc, xử lý nghiêm tình trạng không đội nón bảo hiểm; lắp đặt đèn chiếu sáng, đèn nhấp nháy ở một số tuyến đường phức tạp về trật tự ATGT…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đề nghị Công an tỉnh cần mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, đặc biệt lực lượng phải thường xuyên có mặt ở các tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 61, không để tiếp diễn tình trạng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ “xin quyền trợ giúp”.

Ông Lê Tiến Châu cũng đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó chú ý đổi mới công tác tuyên truyền thường xuyên cũng như thời gian, đối tượng tuyên truyền cho phù hợp. Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT từ nay đến cuối năm và quản lý tốt hành lang ATGT đường bộ…

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>