Nỗi lo tai nạn giao thông

24/05/2018 | 07:31 GMT+7

Từ khi chia tách tỉnh đến nay, chưa lúc nào tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh bất ổn như những tháng đầu năm 2018. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 41 người chết, 23 người bị thương, so cùng kỳ tăng 19 vụ, tăng 17 người chết, tăng 13 người bị thương. Vậy nguyên nhân do đâu ?

Bài 1: Vẫn là ý thức

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT nhưng chung quy lại tất cả đều do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông...!

Cảnh sát giao thông Công an thành phố Vị Thanh đo nồng độ cồn một người điều khiển phương tiện giao thông.

Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nhiều biện pháp như: Tuyên truyền; tổ chức cuộc thi; phát tờ rơi, tờ bướm; xây dựng mô hình về trật tự ATGT,… nên đã tác động không nhỏ đến ý thức của người dân, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn khá phổ biến.

Ám ảnh từ rượu, bia

Khoảng 19 giờ của một ngày tháng 5, cùng với các cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Vị Thanh tuần tra một số tuyến đường trên địa bàn thành phố. Đến đường Trần Hưng Đạo, đoạn thuộc phường V, thì phát hiện một người đàn ông điều khiển xe gắn máy chạy loạng choạng, có dấu hiệu say xỉn nên lực lượng ra tín hiệu dừng xe kiểm tra.

Khi dừng xe, trông người đàn ông này khá mệt và đậu xe không vững dẫn đến té ngã. Qua kiểm tra, phát hiện ông này không có giấy phép lái xe, không có giấy chứng nhận đăng ký xe, đặc biệt nồng độ cồn đo được là 1,534 mg/lít khí thở (vượt hơn 6 lần so với quy định).

Qua tìm hiểu, người này đang làm hồ tại phường V. Hôm đó, được chủ nhà đãi nên vui… tới bến. “Hàng ngày, tôi chỉ uống khoảng 0,5 lít rượu là xỉn rồi, nhưng hôm nay vui quá nên uống gần 1 lít”, người này thừa nhận.

“Anh có biết sử dụng bia, rượu quá nồng độ cho phép khi lái xe sẽ rất nguy hiểm không?”, một cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Vị Thanh hỏi.

“Biết chứ, nhưng gặp bạn bè vui quá nên từ chối không được. Vả lại, tôi vẫn lái xe bình thường, có điều hơi mệt, nhưng sẽ không đến nỗi xảy ra tai nạn”, người này đáp.

Tuần tra trên tuyến đường 3-2, lực lượng chức năng thành phố tiếp tục phát hiện một người đàn ông điều khiển xe gắn máy mang biển số 95H1-6208 cũng có dấu hiệu say xỉn. Qua kiểm tra, ông này không xuất trình được giấy phép lái xe, nồng độ cồn đo được 1,25 mg/lít khí thở.

Theo cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Vị Thanh, trung bình mỗi đêm tuần tra như thế chỉ phát hiện 3-4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Nếu đóng chốt thì hiếm khi phát hiện. “Mặc dù nhiều nhà hàng, quán ăn đông khách nhưng khi lực lượng đóng chốt gần đó thì họ thông tin cho nhau và đi hướng khác”, vị cán bộ này giải thích.

Đó cũng là lý giải chung của nhiều cán bộ cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh về tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông né lực lượng khi đã sử dụng rượu, bia.

Trên thực tế, tất cả những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều biết khi lái xe trong người có rượu, bia vượt quy định là phạm luật, nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn vi phạm.

Tình trạng trên không chỉ có ban đêm mà cả ban ngày, từ thành thị đến nông thôn. Hậu quả là không làm chủ được tay lái dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Năm 2017, huyện Phụng Hiệp đứng hạng 3 trong việc thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng trong 4 tháng đầu năm 2018, đơn vị này lại là “điểm nóng” của tỉnh về TNGT với 25 vụ, làm 24 người chết, 12 người bị thương, so cùng kỳ năm 2017 tăng 20 vụ, tăng 20 người chết, tăng 11 người bị thương. Trong số đó có đến 73% liên quan đến rượu, bia.

Đại úy Nguyễn Chí Khôi, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự cơ động Công an huyện Phụng Hiệp, lo lắng: “Mặc dù chúng tôi tăng cường nhiều biện pháp kiềm chế để người tham gia giao thông chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ nhưng tình trạng TNGT còn diễn biến phức tạp”.

Nhằm hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn từ bia, rượu, năm 2016, Ban ATGT tỉnh chọn thị xã Ngã Bảy làm điểm để ra mắt mô hình “Nhà hàng ATGT, lái xe văn minh, trách nhiệm”, tuy nhiên mô hình này sớm… khai tử.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, giải thích: “Lúc đầu, khi đưa vào thực hiện thì nhiều nhà hàng, quán ăn thực hiện rất tốt trong việc giữ xe cho thực khách quá chén. Sau đó hoạt động kém hiệu quả, bởi không ai thừa nhận mình xỉn. Mô hình có, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhưng việc thực hiện của người tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia thì không”.

Hàng loạt vi phạm

Phải khẳng định rằng, thời gian qua, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân Hậu Giang đã nâng lên đáng kể như: Đội nói bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy; đi đúng làn đường, phần đường; chấp hành đúng biển báo,… nhưng đâu đó còn không ít trường hợp xem thường.

4 tháng đầu năm 2018, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 61 được xem là “điểm nóng” về TNGT với 20 vụ, chiếm gần 50% tổng số vụ trên toàn tỉnh. Nguyên nhân là do Quốc lộ 1 mới nâng cấp, mở rộng nên tốc độ được nâng lên, đối với xe môtô là 70km/giờ, ôtô 90km/giờ; còn Quốc lộ 61 mặt đường hẹp, phương tiện tham gia lưu thông rất lớn trong khi tốc độ quy định đối với xe môtô là 60km/giờ, ôtô là 80km/giờ. Chưa kể là tình trạng không nhường đường, lấn đường của xe gắn máy, ôtô, xe tải diễn ra khá phổ biến trên 2 tuyến này.

Do công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều nên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 61 không lạ gì đối với anh Nguyễn Ngọc Chí, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy.

Anh Chí kể, cách đây không lâu, có việc nên anh chạy xe gắn máy đi thị xã Ngã Bảy. Khi đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1 với một xe gắn máy cùng chiều, đến đoạn đi qua địa phận xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp thì người điều khiển đột ngột rẽ trái mà không ra tín hiệu báo trước. Do bất ngờ nên xe của anh Chí lao thẳng vào hông xe này.

“Rất may, lúc đó tôi chạy chậm và đường vắng nên không đến nỗi. Nếu lúc đó chạy nhanh và xe đông thì hậu quả khó lường”, anh Chí nhớ lại.

Tình trạng qua đường không xi-nhan hay mới xi-nhan là rẽ; đi sai làn đường, sử dụng điện thoại khi lái xe,… không chỉ có ở quốc lộ, tỉnh lộ mà khu vực nội thị cũng dễ bắt gặp. Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác bao nhiêu trường hợp TNGT, va quẹt đối với hành vi chưa đúng này nhưng những vi phạm trên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.

Đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thông tin khi có mặt lực lượng cảnh sát giao thông trên đường thì người dân chấp hành rất tốt, nhưng vắng bóng thì đâu lại vào đấy. Thực trạng này bắt gặp ở hầu hết các tuyến đường.

Có thể khẳng định rằng, bất cứ trường hợp nào đã trải qua lớp sát hạch lái xe thì những quy định cơ bản khi tham gia giao thông đều rõ tường tận. Thế nhưng do đâu mà những quy định ấy họ... quên? Đó cũng xuất phát từ ý thức chưa muốn chấp hành nghiêm.

Theo ngành chức năng, trong quý I, toàn tỉnh phát hiện 12.795 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Qua đó, ra quyết định phạt cảnh cáo 195 trường hợp, phạt tiền trên 7.660 trường hợp, tạm giữ 2.850 lượt phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn trên 630 trường hợp.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

------------

Bài 2: Nhiều giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>