Nỗi lo từ những chuyến đò ngang

17/07/2018 | 09:13 GMT+7

Hình ảnh những chuyến đò ngang không trang bị dụng cụ cứu sinh, hành khách không mặc áo phao hay chở quá tải đang trở thành nỗi lo mất an toàn giao thông đường thủy nội địa trực chờ trong mùa mưa bão.

Tình trạng hành khách qua đò không mặc áo phao xảy ra thường xuyên ở nhiều bến đò ngang ở xã Vĩnh Trung.

Chủ quan

Tại bến đò của ông Nguyễn Văn Hiệp, ở ấp 2, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, không khó để bắt gặp tình trạng khi phương tiện vừa cập bến, hành khách chỉ chú ý đến việc bảo quản tài sản của mình chứ chẳng ai quan tâm đến chuyện mặc áo phao.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, xã Vĩnh Tường, nói: “Nhà tôi ở gần đây nên thường xuyên đi đò này. Lúc qua đò, tôi chưa bao giờ mặc áo phao vì vướng víu, bất tiện”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, chủ bến đò, cho biết: “Tôi làm nghề đưa đò đã nhiều năm qua, nên trang bị áo phao đầy đủ. Trước đây, mỗi khi qua đò tôi thường nhắc hành khách phải mặc áo phao, nhưng chẳng ai thực hiện. Tôi nghĩ không mặc cũng chẳng sao vì kênh này không lớn lắm”. 

Gần đó, bến đò của bà Nguyễn Thị Hiệp, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, cũng tương tự. Khi chúng tôi đến, bà tất bật dọn dẹp nhà cửa, để đò cho con gái chưa đến 18 tuổi điều khiển. “Do bận công việc nên tôi kêu nó đưa thế một chút, đồng thời căn dặn chú ý lái cẩn thận. Kênh nhỏ, khách ít chắc không đến nỗi xảy ra tai nạn”, bà Hiệp giải thích.

Đáng nói là trên đò lúc này có 3 xe gắn máy và 6 khách, nhưng không ai mặc áo phao, kể cả người lái đò. Có lẽ do chuyến đò vượt kênh Nàng Mau mất chưa đầy 5 phút, nên đã khiến cho hành khách và chủ phương tiện chủ quan, không quan tâm đến nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, nhiều năm qua chưa xảy ra tai nạn, sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản ở các bến đò ngang. Thế nhưng, việc thiếu ý thức chấp hành các quy định trong kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Tăng cường giám sát của địa phương

Những năm qua, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa cũng như tặng áo phao, phát tờ bướm cho chủ bến đò ngang...

Tuy nhiên, việc mặc áo pháo khi qua đò hoặc không cho người thân chưa có bằng lái điều khiển phương tiện chỉ duy trì thực hiện trong khoản thời gian ngắn, rồi mọi việc đâu lại vào đó. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu ý thức của người lái đò, chủ bến đò, lỗi chủ quan từ hành khách, cộng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, thừa nhận, bên cạnh một số chủ bến đò chấp hành khá tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa, thì vẫn còn không ít trường hợp cố tình vi phạm. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương chưa sâu sát trong quản lý, dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn từ những chuyến đò ngang.

Hiện đang bước vào mùa mưa bão nên lực lượng cảnh sát đường thủy đã chủ động phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh kiểm tra, lên danh sách phương tiện thủy thường xuyên hoạt động trên các tuyến sông, kênh, rạch trong tỉnh. Qua đó, tiến hành phân loại chất lượng phương tiện, yêu cầu trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, đồng thời có biện pháp quản lý, phòng ngừa tai nạn...

“Thực tế cho thấy, đối với những bến đò có lượng khách đông, UBND một số xã, phường, thị trấn đã xây dựng mô hình tổ tự quản, giúp địa phương nâng cao năng lực quản lý, giám sát. Trong thời gian xảy ra thiên tai, bão, thời tiết xấu, kiên quyết không cho phương tiện xuất bến để bảo đảm an toàn”, đại tá Nguyễn Văn Chính cho biết thêm.

Cũng theo đại tá Nguyễn Văn Chính, trong mùa mưa bão 2018, tại các bến đò ngang, lực lượng cảnh sát đường thủy sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như bến đò không phép, phương tiện không có chứng nhận, đăng ký, người điều khiển không có bằng lái, chở quá số người quy định, hành khách không mặc áo phao...

Có thể nói, để việc tuân thủ quy định đi vào nề nếp thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các địa phương có bến đò ngang đang hoạt động; quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa.

Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng cảnh sát đường thủy đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 870 trường hợp vi phạm, với các lỗi như: đò không được trang bị dụng cụ cứu sinh, chở quá tải, không có sổ danh bạ thuyền viên...

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>