Vì người ở lại…

21/11/2017 | 08:48 GMT+7

Hình ảnh người điều khiển xe gắn máy sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ quy định; lạng lách, không đội nón bảo hiểm... không khó để bắt gặp ở nhiều tuyến đường từ thành thị đến nông thôn. Những trường hợp trên đều biết như thế là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng vẫn vi phạm, nếu không may xảy ra tai nạn giao thông thì hậu quả rất khó lường.

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, đến thăm gia đình chị Trần Thị Sa Ly.

Câu chuyện chúng tôi kể dưới đây nói lên hậu quả của tai nạn giao thông.

5 giờ sáng, chị thức dậy vệ sinh cho chồng, đó là công việc đầu tiên trong ngày trước khi quét dọn nhà, nấu nướng. Công việc ấy quá quen thuộc với chị Trần Thị Sa Ly, ở khu vực 2, phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, đã 6 năm qua từ khi anh Trần Văn Hậu (chồng chị) bị tai nạn giao thông.

Cách đây hơn hai mươi năm, chàng trai khỏe mạnh, giỏi giang Trần Văn Hậu phải lòng cô gái Trần Thị Sa Ly (cùng phường Hiệp Thành) qua sự mai mối của người thân. Kết quả 2 năm tìm hiểu là một đám cưới linh đình. Không lâu sau, niềm vui của họ được nhân đôi khi đứa con gái chào đời. Sau đó, vợ chồng anh được cha mẹ cho ra riêng cất một căn nhà cấp 4 tại khu vực 2, phường Hiệp Thành. Tuy gia đình không có đất sản xuất, hàng ngày vợ chồng phải làm thuê, nhưng chưa khi nào vắng tiếng cười. “Lúc đó, gia đình tôi nghèo nhưng yêu thương, quan tâm nhau lắm, cảm thấy hài lòng với cuộc sống như thế”, chị Sa Ly cho biết.

Tưởng chừng hạnh phúc ấy sẽ lớn dần theo năm tháng, nhưng không ngờ một ngày cách đây 6 năm, tai nạn ập đến gia đình chị. Giống như mọi ngày, anh Hậu đi giao gas thuê cho một cửa hàng ở phường Ngã Bảy về, đang chạy xe trên tuyến đường nông thôn trước cửa nhà thì bị một người đàn ông chạy xe gắn máy hướng chiều ngược lại nhưng đã xỉn rượu đụng vào làm anh bất tỉnh. Sau đó, anh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương thành phố Cần Thơ. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh bị chấn thương sọ não và trở thành người “thực vật” cho đến bây giờ.

Từ khi bị tai nạn giao thông, mọi sinh hoạt cá nhân anh không tự chủ mà phải nhờ đến chị, cuộc sống gia đình từ đó dẫn đến bế tắc. Để chữa trị cho anh, chị chạy ngược chạy xuôi vay tiền của người thân hàng chục triệu đồng, đến nay vẫn chưa có khả năng trả. Hiện tại, chị giữ trẻ thuê cho một người thân với 1 triệu đồng/tháng.

Trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp, tối om, chị nhìn về phía chồng đượm nước mắt, nói: “Không biết cuộc sống của gia đình tôi sẽ đi về đâu. Giá như lúc ấy người đàn ông kia đừng say rượu thì giờ gia đình tôi đâu đến nỗi này”.

Còn trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Cục, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành đau thương hơn, vì sau tai nạn, người thân vĩnh viễn không gặp mặt chồng, cha.

Nhìn lên di ảnh của chồng trên bàn thờ, mắt bà Nguyễn Thị Cục lưng tròng nói: “Lấy nhau đã hơn 40 năm, chưa một lần vợ chồng to tiếng, sao ông nỡ lòng… đi trước tôi”.

Hình ảnh người đàn bà lưng còng, lầm lũi hàng ngày ra vào căn nhà cấp 4 xuống cấp, hư hỏng đã quen thuộc với nhiều người ở ấp Sơn Phú hơn 2 năm qua. Theo nhiều người, cách đây hơn 2 năm, tuy nghèo khó nhưng vợ chồng bà Cục yêu thương và rất hạnh phúc; từ khi ông Lê Văn Hoa (chồng bà Cục) bị tai nạn thì bà trở nên ít nói.

Một ngày cách đây hơn 2 năm, nghe người anh bị bệnh, ông Hoa ra vườn sau nhà hái một vài lá thuốc nam để nấu cho anh uống. Sau khi hái, ông ra tuyến lộ trước cửa nhà để đến nhà anh thì bị một thanh niên chạy xe gắn máy đụng vào…

Từ khi ông Hoa mất, bà Cục sống với vợ chồng người con út, nhưng đi làm cả tháng mới về một lần. “Người ta thường nói: “Tu ngàn năm mới nên nghĩa vợ chồng”. Cưới nhau hơn bốn mươi năm, tuy cuộc sống còn nghèo nhưng lúc nào vợ chồng cũng nhường nhịn nhau. Lúc trước, tính sửa lại căn nhà cho tươm tất, nhưng chưa thực hiện được mà ổng ra đi rồi”, bà Cục buồn bã nói.

Đó là hai trong hàng trăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bế tắc từ khi người thân bị tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Với họ, hạnh phúc lớn nhất không phải sống trong nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, mà là yêu thương, đùm bọc, quan tâm lẫn nhau. Người thân ra đi vĩnh viễn hay bị tàn tật, giống như họ mất đi một phần quan trọng trên cơ thể không gì bù đắp được. “Nếu cho một điều ước, tôi ước mọi người chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ để không còn tai nạn giao thông xảy ra”, chị Sa Ly mong muốn.

Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại năm nay, ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết ngoài hỗ trợ cho 96 gia đình bị ảnh hưởng khi có người thân bị tai nạn giao thông, địa phương, đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến những người tham gia giao thông ý thức hơn trong việc chấp hành luật khi tham gia giao thông; kêu gọi mạnh thường quân, nhà hảo tâm quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ những gia đình khó khăn do gặp phải hoàn cảnh trên. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xem xét những gia đình nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ xây dựng, sửa lại nhà, tạo điều kiện học nghề, vay vốn để họ vượt qua khó khăn, mất mát vươn lên trong cuộc sống”, ông Thành nhấn mạnh.

Vì người ở lại! Mong rằng mọi người hãy sớm ý thức hơn để tránh xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc! 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>