Không tự nguyện giao con sau ly hôn

10/08/2017 | 08:11 GMT+7

Hỏi: Em gái của tôi đã ly hôn với chồng, tòa án tuyên giao con chung 24 tháng tuổi cho người mẹ nuôi dưỡng, người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên, đến nay người chồng không tự nguyện giao con cho em gái tôi. Em ấy đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Vậy em của tôi phải làm sao để được nuôi con?

(Nguyễn Thị T., Q.Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ)

Đáp: Tôi rất cảm thông và chia sẻ với trường hợp của em gái chị. Việc người mẹ trẻ phải xa con thơ là điều rất khổ tâm…

Với trường hợp trên, Luật Hôn nhân và gia đình quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Trên cơ sở đó, tòa án tuyên giao con cho chị ấy nuôi là đã xem xét, đánh giá toàn diện các quy định của pháp luật, đánh giá về điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của hai bên. Tôi thiết nghĩ, người chồng nên tự nguyện thi hành án, tự nguyện giao con cho em gái của chị nuôi là phù hợp.

Luật hiện hành cũng quy định: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con. Người chồng cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ trong trường hợp này để có thái độ ứng xử phù hợp.

Với trường hợp em của chị thì chị ấy cần liên hệ với chi cục thi hành án dân sự địa phương để yêu cầu thi hành án, yêu cầu người chồng giao con. Chấp hành viên cũng có thể phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Nếu người chồng không tự nguyện thi hành án thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao con hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Tôi xin nói thêm rằng, cưỡng chế giao con là điều thuộc về phạm trù đạo đức mà các bên cần phải hiểu rõ…

Đôi điều cùng chị!

Luật sư Trần Văn Độ (Trưởng Văn phòng Luật sư Hữu Nhân)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>