Phải chặt chẽ hơn trong hợp đồng mua bán

20/07/2017 | 08:05 GMT+7

Hỏi: Tôi có hợp đồng bán lúa không thông qua phơi, sấy khoảng 30 tấn cho một thương lái, chỉ làm giấy tay và đặt cọc 2 triệu đồng. Đến ngày thu hoạch, tôi có điện thoại nhưng thương lái này không lên máy và sau đó tắt máy luôn. Hiện tôi rất bị động trong tiêu thụ lúa và phải kiện người này như thế nào? Cần giao kèo ra sao ở lần sau để an toàn trong mua bán?

(Nguyễn Văn Tú, huyện Châu Thành A)

Đáp: Trong trường hợp này, quan hệ pháp luật đặt cọc là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, tức là đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng mua bán lúa, do đó, nếu đặt cọc là để bảo đảm cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng thì các bên phải tuân thủ việc ký kết và thực hiện hợp đồng, nếu vi phạm sẽ xử lý tiền đặt cọc, và giấy đặt cọc trong trường hợp này có hiệu lực pháp lý.

Có thể hiểu biện pháp bảo đảm này như sau: Đối tượng của đặt cọc là những vật mà một bên giao trực tiếp cho bên kia. Đối tượng của đặt cọc vừa mang chức năng bảo đảm, vừa mang chức năng thanh toán.

Trong trường hợp của anh, nếu thương lái đặt cọc là tiền đặt cọc để đảm bảo nghĩa vụ giao kết hợp đồng mua bán lúa thì nó sẽ đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ ký kết hợp đồng giữa người mua và người bán. Nếu bên đặt cọc từ chối ký kết hợp đồng thì sẽ mất khoản tiền đặt cọc, còn nếu anh (bên nhận đặt cọc) không ký kết hợp đồng sẽ phải trả cho bên đặt cọc khoản tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Vì nếu là đặt cọc để đảm bảo nghĩa vụ ký kết hợp đồng, các bên hướng đến việc ký kết hợp đồng, trong trường hợp bên nào vi phạm nghĩa vụ ký kết hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm về tài sản theo quy định xử lý khoản đặt cọc.

Vậy nên đến thời điểm thu hoạch mà bên mua không đến thực hiện hợp đồng xem như người mua đơn phương chấm dứt hợp đồng. Anh có quyền đem lúa của mình bán cho thương lái khác mà không cần khởi kiện vụ án, bởi lẽ khi hợp đồng bị bên mua đơn phương chấm dứt thì anh vẫn còn quyền sở hữu tài sản, có quyền định đoạt tài sản theo quy định.

Ngoài ra, để đảm bảo cho mình về sau, anh cũng như bạn đọc cần lưu ý việc đặt cọc phải được lập thành văn bản, trong đó xác định rõ số tiền đặt cọc, quy định thời hạn thực hiện hợp đồng.

Đối với hợp đồng mua bán lúa cũng như nông sản nói chung cũng cần thỏa thuận bằng văn bản, quy định về quyền và trách nhiệm của các bên ký kết. Đồng thời, cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan pháp luật giải quyết khi có phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện. Vì vậy, anh và bà con nên hết sức thận trọng; khi ký kết cần có tham vấn của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để xây dựng hợp đồng chi tiết với những điều khoản cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình.

Đôi điều chia sẻ cùng anh !

Luật sư TRẦN VĂN ĐỘ (Trưởng Văn phòng Luật sư Hữu Nhân)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>