Xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

15/06/2017 | 07:44 GMT+7

Hỏi: Vừa qua xảy ra một số vụ việc có người lăng mạ, chống lại người thi hành công vụ. Vậy những trường hợp này sẽ bị pháp luật xử phạt như thế nào ?

(Trần Văn Thanh, huyện Châu Thành)

Đáp: Chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi chống đối, cản trở, đe dọa, uy hiếp người thi hành công vụ xảy ra trước, trong hoặc sau khi người thi hành công vụ thực hiện công vụ bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ, trả thù người thi hành công vụ, đe dọa người khác hoặc để ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Hành vi dùng vũ lực là dùng sức mạnh vật chất tác động lên thân thể người thi hành công vụ như: cào cấu, đấm đá, đâm chém, giằng xé quần áo, phù hiệu...

Về hình thức xử lý: Hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo khoản 3, Điều 20 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ thì hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Nếu hành vi của người này nguy hiểm cho xã hội, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):

Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức; phạm tội nhiều lần; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, nếu việc dùng vũ lực chống người thi hành công vụ mà gây thương tích hoặc gây thiệt hại tính mạng người thi hành công vụ thì còn có thể bị xử lý hình sự theo điểm k, khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác; hoặc điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự về tội giết người.

Trường hợp người phạm tội có hành vi bắt giữ hoặc giam người thi hành công vụ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo điểm c, khoản 2, Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Trân trọng !

Luật sư  Trần Văn Độ, (Trưởng Văn phòng Luật sư Hữu Nhân)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>