Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang: Trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân

30/10/2017 | 09:20 GMT+7

(HG) - Xoay quanh ý kiến của người dân các địa phương “Đề nghị ngành chức năng hướng dẫn, giải thích cụ thể quy định việc KCB không đúng tuyến thì không được thanh BHYT, nếu thanh phải có giấy chuyển viện, giải thích về quy định khi KCB vào ngày thứ bảy không được sử dụng BHYT và về quy định mua BHYT bắt buộc đối với tất cả thành viên trong hộ gia đình”, đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang trả lời:

a) Về quy định việc KCB không đúng tuyến thì không được thanh BHYT nếu thanh phải có giấy chuyển viện:

Luật BHYT hiện hành quy định người tham gia BHYT khi đi KCB không đúng tuyến có xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ được Quỹ BHYT thanh toán như sau:

- 100% khi KCB tại trạm y tế (TYT) xã trong địa bàn tỉnh (thông tuyến TYT xã trong tỉnh).

- Thanh toán như trường hợp KCB đúng tuyến tại bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc (thông tuyến bệnh viện huyện trên toàn quốc).

- Thanh toán tỷ lệ 60% theo mức hưởng khi KCB nội trú (không trong tình trạng cấp cứu, chuyển tuyến không đúng quy định) tại bệnh viện tuyến tỉnh.

- Thanh toán tỷ lệ 40% theo mức hưởng khi KCB nội trú (không trong tình trạng cấp cứu, chuyển tuyến không đúng quy định) tại bệnh viện tuyến Trung ương.

- Không thanh toán chi phí KCB ngoại trú trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương.

Như vậy, khi KCB nội trú không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương Quỹ BHYT vẫn thanh toán, không thanh toán đối với trường hợp KCB ngoại trú. Để được hưởng quyền lợi cao nhất, người tham gia BHYT nên lựa chọn KCB đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.

b) Về quy định khi KCB vào ngày thứ bảy không được sử dụng BHYT:

Hiện nay, tất cả các cơ sở KCB (công lập và bệnh viện tư) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều tổ chức KCB BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ.

Như vậy, trường hợp người tham gia BHYT khi KCB BHYT tại các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vào ngày nghỉ, ngày lễ vẫn được Quỹ BHYT thanh toán theo quy định.

c) Về quy định mua BHYT bắt buộc đối với tất cả thành viên trong hộ gia đình để người dân nhận thức được rõ về tính đúng đắn của chủ trương này:

BHYT là chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức, quản lý nhằm huy động sự đóng góp của cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội để chăm lo sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Nguyên tắc hoạt động của BHYT là số đông bù số ít, mang tính chất san sẻ cho người tham gia BHYT nếu không may bị mắc bệnh, tai nạn rủi ro phải điều trị... Do đó, Quốc hội đã quy định trong Luật BHYT là bắt buộc tham gia BHYT cả hộ gia đình, nghĩa là bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, trừ những người đã có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác. Như vậy, người trong cùng gia đình cũng thể hiện sự chia sẻ, bù đắp cho nhau rồi mới đến xã hội.

Đồng thời, hiểu được người dân còn nhiều khó khăn về kinh tế, nên Luật BHYT có quy định là được giảm trừ mức đóng khi tham gia BHYT cả hộ gia đình (người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất) và có thể tham gia 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

Theo BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH HẬU GIANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>