Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang: Trả lời ý kiến, kiến nghị của công dân

31/10/2017 | 07:53 GMT+7

(HG) - Sau khi nhận được ý kiến của người dân: “Đề nghị ngành chức năng xem xét việc mua BHYT theo hộ gia đình tính luôn cho học sinh vì BHYT của học sinh thu cao hơn so với hộ gia đình; kiến nghị giảm giá mua BHYT và thông tuyến KCB ở mọi cấp vì đại bộ phận dân chúng còn nghèo”, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã trả lời.

a) Về việc mua BHYT theo hộ gia đình tính luôn cho học sinh vì BHYT của học sinh thu cao hơn so với hộ gia đình:

Theo quy định của Luật BHYT, trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng tham gia BHYT (quy định tại Điều 12 của luật này).

Do học sinh thuộc vào nhóm 4 (được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT), còn đối tượng hộ gia đình thuộc nhóm 5 (nhóm đối tượng tự đóng tiền BHYT) thì học sinh đang theo học tại các trường học phải ưu tiên tham gia theo nhóm 4.

Theo quy định trên, đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT tại trường, vì khi tham gia BHYT theo đối tượng học sinh, sinh viên thì đối tượng này được tham gia cá nhân học sinh theo danh sách từ các trường học tổng hợp, trong khi tham gia BHYT hộ gia đình thì phải chờ tham gia cả hộ.

b) Về việc kiến nghị giảm giá mua BHYT:

Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, mức đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, nhưng hiện nay theo Nghị định của Chính phủ mới thực hiện mức đóng BHYT là 4,5% mức lương cơ sở, đồng thời:

- Đối với học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT được ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng, học sinh, sinh viên chỉ đóng 70%;

- Hộ gia đình tham gia BHYT được giảm dần mức đóng (người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất);

- Hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng, chỉ đóng 70%.

c) Về thông tuyến KCB ở mọi cấp vì đại bộ phận dân chúng còn nghèo:

Việc thông tuyến KCB BHYT được thực hiện theo lộ trình quy định tại Luật BHYT hiện hành, cụ thể như sau:

- Từ ngày 01/01/2015, người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo khi tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định.

- Từ ngày 01/01/2016, quy định thông tuyến huyện trên phạm vi toàn quốc và thông tuyến huyện - xã trong phạm vi nội tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho người bệnh BHYT, không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và hưởng mức đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân được xếp tương đương tuyến huyện trong phạm vi cả nước.

- Từ ngày 01/01/2021, quy định thông tuyến KCB nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>