Bảo hiểm y tế - Điểm tựa cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính

02/08/2019 | 09:16 GMT+7

Với những người mắc bệnh mãn tính, tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chính là điểm tựa vững chắc, để họ yên tâm chữa bệnh, giảm bớt rất nhiều những gánh nặng cho gia đình.

Với những người mắc bệnh mãn tính, thẻ BHYT chính là điểm tựa vững chắc.

Tấm thẻ giá trị nhất của người nghèo

Bị suy thận mãn cách đây 5 năm, hiện nay, đều đặn mỗi tuần 3 lần, ông Lê Văn The, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đều đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận nhân tạo. Chi phí cho việc điều trị bằng phương pháp này trên 10 triệu đồng/tháng. Tính ra mỗi năm gia đình ông The phải bỏ ra trên 120 triệu đồng để điều trị căn bệnh mãn tính này. Đây là một số tiền không hề nhỏ đối với nhiều gia đình, đặc biệt đối với những hộ gia đình có kinh tế khó khăn như gia đình ông. Chính vì vậy, nhờ có thẻ BHYT, ông The đã được chi trả 100% chi phí điều trị bệnh. Đối với ông, tấm thẻ BHYT thực sự như một điểm tựa vững chắc và cũng nhờ nó ông mới có thể duy trì được sự sống như bây giờ.

Hoàn cảnh gia đình ông The rất khó khăn, không ruộng vườn, con cái lại còn nhỏ trong độ tuổi ăn học. Bản thân ông lại bị bệnh nên không thể lao động, cuộc sống đều nhờ vào sự hỗ trợ của anh em và cộng đồng xã hội. Theo ông The, trước đây, ông cũng nghe mọi người tuyên truyền về lợi ích của BHYT, nhưng nghĩ không quá cần thiết với bản thân mình vì còn khỏe. Do đó, ông chưa tham gia. Đến khi mắc bệnh, ông mới hiểu tấm thẻ BHYT có giá trị như thế nào. Giờ đây, tấm thẻ BHYT đã trở thành người bạn thân thiết, để ông tiếp tục chống chọi với căn bệnh này. Ông The chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có 1,5 công ruộng, song khi tôi bệnh đã bán để lấy tiền chữa trị. Đến nay, tài sản trong nhà không còn gì, mà bệnh thì vẫn cứ đeo mang. Nhờ có thẻ BHYT, nếu không làm sao gia đình tôi xoay xở cho nổi. Với nhiều người thì tấm thẻ ngân hàng có giá trị lớn nhất, nhưng với tôi tấm thẻ có giá trị lớn nhất là tấm thẻ BHYT này”.

Cũng như ông The, bà Nguyễn Thị Tư, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cũng mắc phải căn bệnh suy thận mãn tính và phải chạy thận liên tục từ tháng 8-2018 đến nay. Nhà nghèo, gia đình phải đi làm thuê, làm mướn để mưu sinh, vì vậy, từ ngày bà bị bệnh khó khăn càng chồng chất với gia đình. Cũng may, có BHYT nên gia đình mới có điều kiện để chữa trị. “Mỗi tuần phải lọc thận 3 lần. Nếu không có BHYT, người nghèo lại bệnh tật như tôi chắc cũng không thể cầm cự lâu dài được”, bà Tư chia sẻ.

Cứu cánh đắc lực đối với người không may mắc bệnh

Bệnh tật là điều không ai mong muốn, nếu như chẳng may mắc bệnh, nhất là các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận mãn… thì chi phí khám chữa bệnh rất cao. Nếu không tham gia BHYT, khi viện phí tăng, đau ốm bất ngờ, người bệnh sẽ lâm vào tình cảnh rất khó khăn, thậm chí không có tiền để chữa bệnh. Từ ngày 1-7, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ áp dụng thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo mức lương cơ sở mới, theo Nghị định 38 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương cơ sở từ ngày 1-7 là 1.490.000 đồng/tháng.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2018, BHXH đã chi trả hơn 12 tỉ đồng cho 77.527 người mắc bệnh dài ngày. Trong đó, BHYT chi trả cho 1 bệnh nhân cao nhất là 6,2 tỉ đồng. Theo số liệu của BHXH tỉnh, tính đến tháng 7,  toàn tỉnh có 616.750 người có thẻ BHYT, chiếm tỷ lệ 81,7% dân số. Từ đầu năm đến nay, có 952.402 lượt người khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Có thẻ BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì hiểu lợi ích của thẻ BHYT nên các ngành, các cấp đã tích cực tuyên truyền cho người dân về lợi ích khi vào khám, chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “Tham gia BHYT hàng năm sẽ là cứu cánh đắc lực đối với người không may mắc bệnh, mọi người đừng vì chủ quan để rồi khi lâm bệnh lại hối tiếc vì chi phí điều trị quá lớn. Thậm chí một số trường hợp đôi khi phải từ chối cơ hội điều trị chỉ vì không đủ tiền chi trả, đặc biệt với những bệnh nhân bị bệnh mãn tính…”.

“Đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, vì sức khỏe của bản thân và gia đình, mỗi người cần xác định việc tham gia BHYT là quyền lợi chứ không phải là nghĩa vụ, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia BHYT để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho gia đình khi chẳng may gặp rủi ro, bệnh tật.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>