Bảo hiểm y tế và những ý nghĩa với người nghèo

12/03/2021 | 07:32 GMT+7

Là một trong hai trụ cột của chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng cũng như tính nhân văn trong đời sống. Đặc biệt, đối với người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, tấm thẻ BHYT đang là điểm tựa có ý nghĩa to lớn trong việc chia sẻ gánh nặng chi tiêu khi gia đình ốm đau, bệnh tật.

Có thẻ BHYT, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Là hộ nghèo, những năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Thiệt, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, đều được cấp thẻ BHYT. Theo ông Thiệt, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, không ruộng nương, nghề nghiệp, trong khi đó vợ ông bị bệnh tai biến khoảng 9 tháng nay. Mọi chi chí trong gia đình đều do con cái gửi cho, cuộc sống luôn trong tình cảnh túng thiếu. Nhờ có thẻ BHYT, tiền thuốc men hàng tháng của vợ ông được Quỹ BHYT chi trả, vì vậy, gia đình đỡ phần gánh nặng. “Trước đây, tôi nghĩ tham gia BHYT chỉ đỡ đi phần nào chi phí khám, chữa bệnh, nhưng khi vợ tôi bị bệnh phải điều trị lâu ngày dài tháng, BHYT đã chi trả rất nhiều. Lúc đó, tôi mới hiểu rằng tấm thẻ BHYT có giá trị vô cùng to lớn. Với hộ nghèo chúng tôi, nếu bị bệnh mà không được Quỹ BHYT chi trả, cuộc sống chắc còn khó khăn, thắt ngặt hơn”, ông Thiệt chia sẻ.

Được tỉnh hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, gia đình anh Danh Gì, ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cũng được cấp thẻ BHYT miễn phí. Gia đình anh là hộ cận nghèo, theo quy định, Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ BHYT, 30% còn lại, gia đình tự đóng. Tuy nhiên, để giúp hộ cận nghèo giảm bớt khó khăn, tham gia BHYT đầy đủ, ngân sách địa phương đã hỗ trợ thêm 30%, để hộ cận nghèo cũng được cấp thẻ BHYT miễn phí. Việc này giúp hộ cận nghèo tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, giảm bớt nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo, góp phần bảo đảm sự công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Theo anh Gì, nhờ được tỉnh hỗ trợ mà 5 thành viên của gia đình anh được tham gia BHYT đầy đủ, nhờ đó chăm sóc sức khỏe tốt hơn. “Với tình hình giá dịch vụ kỹ thuật y tế tăng cao, nếu bị bệnh mà không có thẻ BHYT sẽ là gánh nặng cho gia đình. Nếu sau này không còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT, tôi vẫn tiếp tục duy trì tham gia BHYT cho cả gia đình”, anh Gì bày tỏ.

Trước đây, nhiều gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo mỗi khi đau ốm thường tự mua thuốc uống, không đến bệnh viện. Từ khi được cấp thẻ BHYT, mỗi khi đau ốm mọi người đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế để được khám, điều trị một cách tốt nhất, mà không phải mất nhiều chi phí nên họ yên tâm hơn, tin tưởng vào các chính sách của Đảng, Nhà nước. Theo bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, để người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT đầy đủ, trên cơ sở phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo của UBND huyện, phòng sẽ chuyển đến BHXH huyện để cấp thẻ BHYT. Với những trường hợp phát sinh, sau khi người dân đăng ký vào tờ khai tại UBND xã, thị trấn, được địa phương xác nhận, sau đó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện sẽ thẩm định, xác nhận và gửi danh sách cho BHXH huyện thực hiện in thẻ BHYT.

BHYT là chính sách nhân văn do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong năm 2020, toàn tỉnh có 666.643 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 91,35% dân số. Trong đó, có 140.390 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT với số tiền trên 106,7 tỉ đồng. Cũng trong năm 2020, Quỹ BHYT cũng chi trả trên 1,7 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: “Chúng tôi luôn phối hợp tốt với ngành lao động - thương binh và xã hội trong việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ nói chung, đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng. Việc tham gia BHYT đảm bảo cho mỗi gia đình không lâm vào cảnh nghèo túng khi có người bị bệnh tật, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, đây là một chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước để thực hiện sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, xây dựng một xã hội khỏe mạnh, trí tuệ...”

Suốt 4 năm nay chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy phải ở bệnh viện để điều trị cho con là Phan Nguyễn Ngọc Hân (11 tuổi). Ngọc Hân bị bệnh viêm não từ năm 2017, từ đó đến nay em phải thở máy, để duy trì sự sống, suốt ngần ấy năm Ngọc Hân bị bệnh là quãng thời gian chị Hằng cùng con ở bệnh viện. Theo chị Hằng, nhờ có tấm thẻ BHYT mà con chị mới có thể điều trị tới nay, nếu không gia đình không biết phải làm sao mà xoay xở cho xuể. Bởi 4 năm ở bệnh viện, số tiền tiêu tốn không phải nhỏ, nhiều lúc không nhớ hết.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích