Hướng dẫn tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp

21/08/2017 | 08:31 GMT+7

(HG) - Bảo hiểm xã hội tỉnh vừa có văn bản hướng dẫn tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Theo đó, tại Điều 6 và Điều 15 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN và bảo hiểm TNLĐ-BNN quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, BHTN như sau: Tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, BHTN là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở. Còn nếu tiền lương do đơn vị quyết định, thì từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động (HĐLĐ), kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động. Còn từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương nêu trên và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Theo quy định tại điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 15 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN thì mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc, BHTN do đơn vị quyết định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường. Trường hợp mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.

Như vậy, trường hợp người lao động làm việc theo HĐLĐ ngoài chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức Nhà nước và đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN theo mức tiền lương do đơn vị quyết định trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì mức tiền lương tháng đóng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Nếu người lao động đã qua học nghề thì mức lương thấp nhất đóng cho người lao động phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Riêng các trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng làm việc trong chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức Nhà nước hoặc người lao động ký HĐLĐ theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ thì mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN không thấp hơn mức lương cơ sở vào thời điểm đóng…

CẨM LÌNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích