Trên 14,66 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội

16/11/2017 | 08:16 GMT+7

(HG) - Từ năm 1995 đến nay, hệ thống Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện để thống nhất thực hiện việc thu, chi, quản lý quỹ BHXH, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trước mắt cũng như lâu dài. Đối tượng tham gia BHXH ngày một gia tăng, nếu như năm 1995, số người tham gia mới chỉ đạt 2,276 triệu người, với đối tượng chủ yếu là lao động trong khu vực Nhà nước, thì tính đến hết tháng 9-2017, số người tham gia là hơn 14,66 triệu người với độ bao phủ tới cả các khu vực lao động trong và ngoài Nhà nước, với khối lao động chính thức và phi chính thức,… Việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH luôn được ngành BHXH đảm bảo thực hiện đúng, đủ, kịp thời, với các thủ tục hành chính ngày càng được tinh giản, tạo thuận lợi cho người tham gia và các đơn vị khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như đối tượng tham gia tăng cao qua các năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đề ra; tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH ngày một tăng cao tại các địa phương làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động (NLĐ);… Song song đó, chính sách BHXH cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chưa theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, còn mang tính bao cấp, quyền lợi được hưởng ở mức cao hơn mức đóng góp,... nên ảnh hưởng tới việc cân đối quỹ BHXH; tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế của NLĐ; tỷ lệ hưởng lương hưu cao, trong khi thời gian hưởng lại dài; số người hưởng BHXH một lần không giảm mà có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ khi hết tuổi lao động…

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích