Những ngày đầu của chiến sĩ ở nơi “đầu sóng ngọn gió”

30/12/2016 | 08:46 GMT+7

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển để chuyển quà, hàng tết năm 2017 đến quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tàu 561 đã đến đảo Trường Sa. Tại đây, gặp một số chiến sĩ vừa đến đảo được vài ngày, qua trao đổi, chúng tôi biết nhiều điều từ các anh...

Bất ngờ

Đang chăm chú đứng nhìn hàng cây trên đảo, binh nhất Nguyễn Hoàng Tây, quê ở tỉnh Bình Định, nói: “Không ngờ ở đảo xa xôi như Trường Sa lại có nhiều cây xanh tươi tốt như thế, chẳng khác gì so với đất liền”.

Sinh ra và lớn lên nơi vùng đất võ Bình Định nên Tây muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa cho quê hương, đất nước. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tây đã ấp ủ thi vào ngành đại học quân sự để tiếp nối truyền thống cha ông. Thế nhưng, năm 2014, ước mơ ấy không thành hiện thực… Năm 2016, khi nghe địa phương tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, Tây tự nguyện viết đơn đăng ký tham gia và trúng tuyển.

Buổi giáo dục, tuyên truyền của lãnh đạo Cụm chiến đấu số 3 với chiến sĩ mới.

Trước khi được phân công ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, Tây chỉ biết nơi đây qua sách báo, ti vi và trong trí tưởng tượng của mình, đây là vùng đất hoang vu, khô cằn, buồn tẻ. Thế nhưng, khi đặt chân lên đảo, Tây khá bất ngờ. “Lúc mới lên đảo thật sự tôi bất ngờ với cảnh vật từ cây xanh, đến văn hóa tâm linh, như Đền tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chùa Trường Sa,… và điều kiện sống chẳng khác gì so với đất liền. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ ở đây cư xử với nhau rất tình cảm, ân cần quan tâm, thăm hỏi như anh em trong gia đình. Mặc dù mới ra đây được vài ngày nhưng tôi rất thích”.

Còn với chiến sĩ Châu Minh Phong, đến từ thành phố mang tên Bác, cũng không khỏi ngỡ ngàng ngay khi đặt chân lên đảo. Phong không nghĩ Trường Sa đẹp và thân thiện đến mức khó quên. Cầm trên tay trái mù u, Phong tâm sự: “Không ngờ cây mù u vốn chỉ sống ở miền Nam mà lại sống được ở vùng chỉ có sỏi và đá”.

Phong cho biết, những ngày đầu ở đây, cán bộ đảo Trường Sa rất quan tâm từ việc sắp xếp nơi ăn, chốn ở, đến mỗi buổi sáng đều thăm hỏi đêm có ngủ được không, làm cho chiến sĩ mới khá cảm động.

Tuy điều kiện sống ở đây không thể so với đất liền, nhưng bù lại tình cảm của cán bộ, người dân đối với chiến sĩ thì không hề thiếu. Đó là động lực để các chiến sĩ mới vượt qua khó khăn, làm tròn nhiệm vụ của mình với Tổ quốc.

Luôn trong tư thế sẵn sàng 

“Chào anh!” là câu đầu tiên của các chiến sĩ mỗi khi gặp chúng tôi trong bất cứ thời gian nào, điều kiện nào.

Trung tá Đinh Văn Lương, Chính trị viên Cụm chiến đấu số 3, đảo Trường Sa, tâm sự: Chiến sĩ mới ở đây đã có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự trong đất liền, được huấn luyện, đào tạo bài bản. Nhưng khi ra đảo, anh em vẫn không khỏi bỡ ngỡ với điều kiện sinh hoạt đặc thù ở nơi chỉ có bốn bề là biển cả. Để các em chững chạc, bản lĩnh hơn, sau khi tiếp nhận, trước tiên đơn vị tiến hành hướng dẫn cách đi đứng, chào hỏi. Bên cạnh đó, đơn vị còn tập trung giáo dục cho chiến sĩ để có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhân cách đạo đức chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ.

Một trong những nhiệm vụ không thể thiếu đối với chiến sĩ mới là công tác huấn luyện bài bản để mỗi chiến sĩ làm chủ được các loại vũ khí và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. “Để chiến sĩ mới an tâm công tác, chúng tôi còn tập trung nâng cao lãnh đạo, đảm bảo cho bộ đội có đời sống vật chất, tinh thần thật tốt; tổ chức thể dục - thể thao, văn nghệ mang tính tập thể để trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực như một gia đình”, trung tá Lương cho biết thêm.

Từ sự quan tâm, chia sẻ, đồng lòng đó, các chiến sĩ mới đã an tâm công tác, hăng say luyện tập và xem đảo là nhà, biển là quê hương, đồng đội như anh em một nhà. “Tuy là chiến sĩ mới và còn nhiều bỡ ngỡ nhưng tôi sẽ cố gắng sớm thích nghi với điều kiện sống ở đây và vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo vệ bình yên chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, chiến sĩ Phong nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>