Tâm tình của chiến sĩ nơi trùng khơi

24/01/2017 | 08:04 GMT+7

Trong chuyến tác nghiệp ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi không chỉ gặp chiến sĩ đã công tác ở đây lâu, mà còn gặp chiến sĩ mới ra đảo làm nhiệm vụ. Dù ở vị trí nào họ cũng đều thể hiện lòng quyết tâm, ý chí kiên định, an tâm công tác, vượt qua khó khăn, thử thách để xứng đáng với niềm tin, mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

“Tôi sẽ cố gắng sớm thích nghi với điều kiện sống ở đây”, chiến sĩ Đỗ Xuân Quyền (phải) cho biết.

Đang chăm sóc hàng cây xanh trước trụ sở đảo Đá Tây, chiến sĩ Đỗ Xuân Quyền, bộc bạch: “Góp một phần công sức nhỏ bé để cây xanh ở đây phát triển xanh tốt là vinh dự của tôi. Với nơi có thời tiết khá khắc nghiệt như thế này, hy vọng cây xanh sớm thích nghi, tạo bóng mát”.

Mới ra đảo được vài ngày để làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc nên Quyền còn khá lo lắng với thời tiết, sinh hoạt. Lo lắng bởi mọi thứ hầu như khác hẳn với những gì Quyền nghĩ là đảo sẽ rộng lớn, có nhiều rừng núi, có chợ, có người dân sinh sống đông đúc, tàu cá tấp nập... Thế nhưng khi đến đây, trước mắt Quyền là đảo khá nhỏ, bốn bề là biển cả, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, mưa gió… Mặc dù còn nhiều băn khoăn nhưng Quyền vẫn quyết tâm vượt qua. “Em sẽ cố gắng sớm thích nghi với điều kiện sống để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Quyền nhấn mạnh.

Khác với vẻ lo lắng của Quyền, binh nhì Đặng Bá Hằng, công tác tại đảo Thuyền Chài được 7 tháng trông khá chững chạc, tự tin. Nghiêm trang canh gác trước mốc chủ quyền của Tổ quốc, mắt hướng ra biển quan sát,… khi chúng tôi đặt vấn đề muốn trao đổi về cuộc sống ở nơi đầu sóng ngọn gió, Hằng thẳng thắn nói: “Tôi đang làm nhiệm vụ không thể trao đổi được, nếu cần thì đến giờ tan ca”.

Khác với vẻ nghiêm nghị, trả lời dứt khoác như trên, trong giờ tan ca, Hằng rất niềm nở, cởi mở. “Anh thông cảm, chiến sĩ chúng tôi là thế, trong lúc làm nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm nội quy, mệnh lệnh. Đó cũng vì muốn bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Còn ngoài giờ thì anh em có thể trò chuyện thoải mái”, Hằng bộc bạch.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, do đó sớm được người thân kể về những chiến công hiển hách của các bậc tiền hiền chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ vì nước vì dân nên Hằng sớm có ước mơ phục vụ trong quân đội. Năm 2015, sau khi nhận được kết quả đậu vào một trường cao đẳng ở quận I, Thành phố Hồ Chí Minh, Hằng cũng nhận thông tin địa phương tổ chức khám sức khỏe tuyển quân. Vậy là Hằng quyết định tạm gác việc học để gia nhập quân ngũ.

Những ngày đầu ở đảo, bốn phương là biển cả, Hằng không tránh khỏi nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng được sự quan tâm, động viên của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt Hằng luôn cố gắng hòa nhập, thích nghi với điều kiện sống và xem đảo là nhà, biển cả là quê hương nên mọi thứ dần quen.

Công tác tại đây đến nay được 7 tháng, tuy không phải là dài nhưng đã để lại trong Hằng nhiều kỷ niệm như: cán bộ, chiến sĩ quây quần bên nhau hỏi thăm sức khỏe, gia cảnh; các ngày lễ, tết đều tổ chức giống như trong đất liền; những lúc rảnh rỗi đơn vị tổ chức thể dục, thể thao, văn nghệ… Nhưng điều đọng lại trong Hằng sâu sắc nhất là ngày 18-11 - ngày sinh nhật của mình. Tuy sinh nhật không có bánh kem, trái ngọt, nhưng được cán bộ, chiến sĩ chúc, tặng quà là những con ốc, sò được kết lại, làm Hằng xúc động, ấm lòng. “Ở đất liền tôi đâu có tổ chức sinh nhật. Ra đây mới biết không khí của ngày này, thật là vui, tuy đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa. Bây giờ, tôi cảm thấy yêu biển đảo nhiều hơn và sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho”.

 Hôm chúng tôi đến cũng là lúc chiến sĩ Nguyễn Mậu Hùng, công tác tại đảo Đá Đông, vừa hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị về đất liền (tỉnh Đắk Lắk). Biết mình gần đến ngày trở về, Hùng bịn rịn không muốn rời.

Cũng giống như bao chiến sĩ khác, khi mới đặt chân lên đảo, Hùng khá bỡ ngỡ, bất ngờ với hoàn cảnh sống, nhưng bằng ý chí quyết tâm, nghị lực, Hùng sớm thích nghi và xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai; cán bộ, chiến sĩ như anh em trong gia đình. Hình ảnh đứng hiên ngang canh gác giữa biển cả; chăm sóc từng luống rau; ngồi trò chuyện, tâm sự với cán bộ, chiến sĩ; hát cho nhau nghe những bài hát về biển, quê hương… sẽ không bao giờ quên đối với Hùng. “Mới đó vậy mà em đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi trở lại đất liền em sẽ cố gắng học tập, nếu có cơ hội sẽ xin phục vụ lâu dài ở hải quân”, Hùng cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân, cho biết: “Để cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, hàng năm, chúng tôi đều phối hợp với nhiều đoàn từ Trung ương đến địa phương ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những phần quà tuy giá trị không lớn nhưng tình cảm mà Đảng, Nhà nước và người dân đất liền dành cho thì rất sâu đậm. Hầu hết chiến sĩ mới ra đảo thực hiện nhiệm vụ đều bất ngờ, nhưng chỉ thời gian ngắn là họ thích nghi, đặc biệt là ý chí kiên định, an tâm công tác”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>