Trường Sa không xa !

16/05/2022 | 07:51 GMT+7

Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Để Trường Sa ngày càng gần hơn với đất liền, đã có những sự đóng góp, nỗ lực, hy sinh của biết bao thế hệ. Giờ đây, cả nước đang tiếp tục chung tay để Trường Sa ngày càng phát triển, hướng tới huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thầy Nguyễn Công Qua, giáo viên Trường Tiểu học Sinh Tồn, ân cần kèm cặp cho từng học sinh trong lớp học của mình.

Bài 1: “Gieo chữ” nơi đảo xa

“Gieo chữ” ở nơi hải đảo xa xôi như Trường Sa tưởng chừng rất khó khăn, nhọc nhằn, nhưng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các thầy giáo, tất cả giờ đây đã đi vào nề nếp, giúp những mầm xanh của đất nước nơi đảo xa vươn mình phát triển không thua kém trên đất liền.

Tưởng chuyện học rất khác...

Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và Song Tử Tây là ba đảo nổi, trên các đảo này, nơi rộn ràng nhất chính là trường học. Các lớp học ở đây tuy nhỏ, nhưng cơ sở vật chất không hề thua kém so với đất liền, cũng có bảng đen, phấn trắng, bàn ghế được kê ngăn nắp. Những bức tường được dán đầy tranh, ảnh do các thầy giáo tự tay làm để trang trí và dạy học. Tất cả mang lại cảm giác đây không chỉ là trường học, mà còn thực sự là ngôi nhà thứ hai của thầy và trò ở Trường Sa.

Trong lớp, vẫn ê a tiếng học vần của những cô, cậu học trò nhỏ mới vào lớp 1. Rồi có em thì đang làm văn, có em thì đang học toán. Chiếc bảng lớn được chia ra thành 2, 3 phần, mỗi phần là một kiến thức khác nhau. Thầy giáo trẻ vừa giảng bài, vừa cầm tay kèm cặp từng em một. Thầy nào cũng tự nhủ: “Các em ở đảo, việc học tập đã khác so với những bạn trên đất liền. Thế nên, thầy phải quan tâm các em nhiều hơn, kèm cặp các em kỹ hơn, để các em không thua kém bạn bè”.

Số lượng học sinh khá ít, nên các trường học ở Trường Sa đều dạy theo kiểu học ghép. Mỗi lớp sẽ có nhiều học sinh đến từ 2 hoặc 3 khối lớp khác nhau. Gọi là trường tiểu học, nhưng một vài lớp có cả trẻ mẫu giáo, được phụ huynh gửi đến để làm quen với con chữ và lề lối học tập. Tuy phải dạy cùng lúc nhiều khối lớp khác nhau, nhưng những thầy giáo trẻ ở Trường Sa không tỏ ra lúng túng. Họ quản lý và tổ chức lớp học rất tốt, đưa việc “gieo chữ” ở nơi đây đi vào nề nếp.

Giữa tiếng đọc bài của các anh, chị cùng lớp, em Võ Đan Như, học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Sinh Tồn vẫn tập trung nắn nót từng con chữ. “Con làm xong bài tập thầy giao để được thầy khen, thầy cho điểm 10. Con và các anh, chị ai cũng cố gắng học tốt để cha mẹ, thầy cô và các chú bộ đội ở đây vui lòng”, Đan Như chia sẻ. Học trong điều kiện khác biệt so với đất liền, các cô, cậu học trò nhỏ rất chăm ngoan, hiểu chuyện và tự giác. Các em chính là nguồn động lực để những người thầy quyết tâm gắn bó, cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp giáo dục nơi đảo xa.

Thầy Nguyễn Công Qua, giáo viên Trường Tiểu học Sinh Tồn, bày tỏ: “Những ngày đầu ra đảo dạy học, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng lâu dần tôi cũng quen với lối sinh hoạt, dạy học ở đây. Tôi càng yêu thương và gắn bó với các em học sinh, các cán bộ, chiến sĩ và hộ dân nhiều hơn. Ở đất liền mỗi người một quê, nhưng ra đây, đảo là nhà. Chúng tôi xem nhau như những người thân và dạy học trò như con, em của mình, để khi về lại đất liền, các em theo kịp bạn bè đồng trang lứa”.

Các em học sinh ở đảo Sinh Tồn vui mừng khi đón các đoàn công tác đến thăm.

Nhưng không khác !

Ở đảo xa, điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, chưa thể so sánh với các trường ở đất liền. Nhưng tại các trường tiểu học trên đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, việc tổ chức dạy và học vẫn tuân theo quy định, sự hướng dẫn của ngành giáo dục, mà trực tiếp là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa. Các hoạt động học tập, thi cử, đánh giá, xếp loại học sinh vẫn diễn ra tương tự như trên đất liền. Mỗi ngày 2 buổi, từ thứ hai đến thứ sáu, các em đều đến trường để học tập đúng giờ. Tuy trường ít học sinh, lại gần nhà, nhưng em nào cũng chỉn chu trong màu áo trắng, mang dép quai hậu, tập sách, dụng cụ học tập được trang bị đầy đủ, ngăn nắp.

Tuy ở đảo, nhưng các em học sinh của Trường Sa cũng được tham gia nhiều hoạt động thiết thực. Thầy Phạm Xuân Diệu, giáo viên Trường Tiểu học Sinh Tồn, cho biết: “Bên cạnh việc dạy kiến thức, trong quá trình học, chúng tôi cũng lồng ghép để dạy các em về kỹ năng, đạo đức, lối sống. Vào những buổi chiều hoặc những dịp cuối tuần, tôi và các em học sinh còn được cùng với các chiến sĩ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên đảo”. Nhờ đó, mà học sinh nơi đây có cơ hội cảm nhận sâu sắc hơn về hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ, về truyền thống vẻ vang của dân tộc và thêm yêu biển, đảo quê hương.

Không chỉ học tập tại trường, các em học sinh ở Trường Sa còn có sự quan tâm, kèm cặp của các bậc phụ huynh. Hầu hết những người mẹ ở Trường Sa đều làm nội trợ, do đó, họ có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc gia đình, con cái. Việc học tập của các con cũng được họ đặt lên hàng đầu. Chị Nguyễn Thị Phương Dung, hiện đang sinh sống tại đảo Trường Sa Lớn, chia sẻ: “Tuy con học ở đây điều kiện không giống như trong đất liền, nhưng tôi cũng yên tâm khi thấy thầy dạy con rất nhiệt tình. Khi cháu về nhà, tôi cũng thường xuyên kèm cặp để con vững vàng hơn”.

Những mầm xanh nơi Trường Sa được vun bồi bởi gió, bởi nắng, bởi nước biển mặn mòi và hơn hết là tình cảm của những thầy cô giáo, những chiến sĩ chọn gắn bó với đảo xa, cùng sự kỳ vọng của đồng bào nơi đất liền, để mai nào các em sẽ trở thành những chiến sĩ kiên trung, tiếp nối truyền thống cha anh giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Bài 2: Những chiến sĩ đảo xa khoác áo blouse trắng

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>