Vui tết ở Trường Sa

13/01/2016 | 09:04 GMT+7

Tháp tùng cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, nhóm phóng viên các cơ quan báo, đài từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có dịp ăn tết sớm cùng với quân và dân thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa). Tận mắt chứng kiến không khí vui xuân, đón tết nơi tuyến đầu của Tổ quốc, chúng tôi mới cảm nhận được hết tình cảm ấm áp, gắn bó giữa quân và dân trên đảo.

Chiến sĩ gói bánh chưng ở Trường Sa.

Không chờ đến hết ngày 30 tết âm lịch như trong đất liền, tết ở Trường Sa về sớm hơn gần một tháng. Nhân dịp Đoàn công tác đến thăm đảo, Đảng bộ, UBND thị trấn Trường Sa phối hợp cùng Đoàn công tác tổ chức các hoạt động vui xuân, đón tết không khác gì không khí ngày Tết cổ truyền trong đất liền.

Được dừng chân tại đảo 2 ngày, đoàn chúng tôi cùng với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo tham gia nhiều hoạt động vui chơi ngày tết rất ý nghĩa, như: giao lưu văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân 2016 giữa quân, dân trên đảo và Đoàn công tác đến từ các cơ quan, đơn vị, vùng miền trong cả nước. Tổ chức hoạt động gói bánh chưng bằng lá dong từ đất liền mang ra và bánh chưng lá bàng vuông mang đậm hương vị vùng biển đảo. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động tham gia trò chơi dân gian; thăm, chúc tết và tặng quà các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên đảo.

Mang đến hương vị ngày tết ra tận biển đảo Trường Sa, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) có chương trình Bánh chưng tết Trường Sa, đã tổ chức gói, tặng 2016 chiếc bánh chưng phục vụ chiến sĩ ăn tết. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, bộc bạch: “Được đón tết cùng chiến sĩ, nhân dân tại thị trấn Trường Sa, chúng tôi rất vui và xúc động. Thực hiện chương trình Bánh chưng tết Trường Sa, chúng tôi muốn mang cái tết nghĩa tình từ đất liền ra biển đảo, nơi các ngư dân, chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Ngoài ra, câu lạc bộ còn mang theo những phần quà tết ý nghĩa gửi đến các chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đây là lần đầu tiên câu lạc bộ làm việc này, nhưng những mùa xuân tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì nhằm mang tình cảm từ đất liền ra đến chiến sĩ, ngư dân sinh sống trên đảo”.

 Say sưa lựa chọn những chiếc lá bàng vuông xanh mởn, kích cỡ đồng đều để làm ra những chiếc bánh chưng đậm đà hương vị biển đảo quê hương, thượng úy Lê Hồng Dũng, công tác tại đảo Trường Sa, chia sẻ: “Khác với đất liền, trên đảo không có lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, bánh tét, nhưng chiến sĩ hải đảo Trường Sa tận dụng lá bàng vuông, loại cây đặc trưng của đảo để làm ra sản phẩm truyền thống ngày tết. Nếu so với bánh chưng lá dong, bánh chưng lá bàng vuông cũng ngon không kém, vẫn có màu xanh rất đẹp và còn mang đậm hương vị riêng nơi biển đảo”. 

Mặc dù tết tại đảo xa, nhưng không khí tết nơi đây chẳng khác gì so với các vùng miền khác trong cả nước. Ngày đầu năm mới, nơi đây cũng không thiếu hình ảnh những người phụ nữ thướt tha trong trang phục áo dài truyền thống đi lễ chùa, điều này càng làm cho bức tranh xuân nơi biển đảo thêm màu sắc. Duyên dáng với bộ áo dài màu xanh biển, chị Đoàn Thị Tịnh, cư ngụ tại thị trấn Trường Sa, huyện Đảo Trường Sa, cùng gia đình viếng chùa Trường Sa lớn nhân dịp đầu năm mới. Nói về cảm xúc của mình trong ngày đầu năm, chị Tịnh vui vẻ cho biết: “Dù đón tết trên đảo, nhưng không khí tết nơi đây chẳng khác ở đất liền. Chúng tôi cảm thấy tết nơi đây thắm đượm tình quân dân. Vào các dịp tết, các hộ dân chúng tôi luôn được chính quyền địa phương và các đơn vị kết nghĩa tổ chức ăn tết, vui chơi, sinh hoạt rất đầm ấm, sung túc”.

Thông tin về các hoạt động đón tết tại thị trấn năm nay, ông Đỗ Huy Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện Đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Để tạo không khí tết tại đảo giống như đất liền, thị trấn tổ chức cho quân và dân cùng gói bánh chưng, bánh tét; chủ động, tạo điều kiện cho người dân chuẩn bị các nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu các món ăn của ngày tết, như: nếp, đậu, thịt heo... Ngay đêm giao thừa, có diễn ra hoạt động hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ. Ngoài ra, trong 3 ngày tết, nơi đây còn có nhiều hoạt động trò chơi dân gian, thể dục thể thao, vui chơi lành mạnh khác. Bên cạnh đó, UBND thị trấn còn tổ chức ăn tất niên cùng với từng gia đình ngư dân trên đảo, cùng người dân đi lễ chùa dịp đầu năm để cầu bình an cho chiến sĩ, nhân dân trên đảo”.

Tết ở đảo Trường Sa tuy thiếu hương thơm của hoa đào, hoa mai vàng nhưng mỗi nhà, mỗi nơi trên đảo đều hiển hiện những chậu mai làm bằng vải, được trang trí bằng nhiều kiểu dáng rất đẹp, rất rực rỡ cũng phần nào tạo nên sắc xuân nơi ở xa xôi của Tổ quốc. Hơn thế nữa, tết ở Trường Sa mang đậm cái tết tình người, tình quân dân, tình đồng bào dân tộc. Đây chính là nguồn động lực to lớn để những ngư dân, chiến sĩ đang công tác, sinh sống tại đảo có thêm tinh thần để cống hiến sức mình vì chủ quyền, vì sự phát triển của đất nước...

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>