Anh cán bộ văn hóa làm theo Bác

16/11/2017 | 08:31 GMT+7

Anh Bùi Văn Sách (phường I, thành phố Vị Thanh), đã có hơn 20 năm gắn bó với công việc cán bộ văn hóa xã hội. Ngần ấy thời gian công tác, anh đã có nhiều việc làm theo gương Bác gắn với công việc của mình !

Anh Sách chia sẻ: “Điều gì ở Bác cũng đáng để tôi học…”.

Anh chia sẻ, làm cán bộ văn hóa nên muốn được gọi là anh cho trẻ trung. Gọi điện cho anh, hầu như lúc nào cũng nhận được câu trả lời là đang ở khu vực, ở nhà dân đi công việc, đi tuyên truyền. Nhiệt tình, nhiệt tâm là điều mà nhiều người nhận xét về anh. Anh nói, anh cũng cảm nhận được chiến tranh, nhưng không nhiều, bởi lúc đó anh còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ được gia đình trải qua khó khăn, gian khổ cỡ nào, nhất là những năm sau ngày giải phóng. Vì thế, khi quê hương ngày một đổi mới, đời sống người dân ngày một nâng lên, anh thấy hạnh phúc, càng tiếp thêm sức mạnh cho anh hoàn thành tốt công việc vốn được mọi người coi là “vác tù và hàng tổng”, vì lương bổng ít, mà cực quá, nhưng anh chẳng nề hà chuyện đó.

Khi bắt đầu đi làm, anh làm công tác văn phòng của UBND thị trấn Vị Thanh, huyện Vị Thanh, đó là vào khoảng năm 1986. Đến năm 1993, anh sang làm cán bộ văn hóa và gắn bó đến bây giờ. Anh nói: “Mình cũng thích hát tài tử, biết đàn cổ, nên nghĩ qua bên đây đúng nghề. Nhưng để làm cán bộ văn hóa không hề đơn giản, nhất là từ khi có phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đi tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức với chính mình, với gia đình và xóm làng... Những công việc không tên, tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng đâu phải ai cũng hiểu. Có người, mình vừa mở miệng là người ta đóng cửa lại”. Câu chuyện anh kể, tôi cũng đã được nghe nhiều về những người làm văn hóa ở cơ sở. Lúc đầu họ cũng buồn, nhưng riết rồi quen, người dân dần cũng hiểu họ hơn, cởi mở hơn và cùng góp công, góp sức tạo nên phong trào lớn mạnh cả về số lẫn chất lượng, có nhiều mô hình thực sự làm thay đổi diện mạo của quê hương!

Khi hỏi, làm cán bộ văn hóa, có bao giờ anh cảm thấy buồn, chán, có ý định bỏ “nghề”. Anh cười hiền: “Chưa bao giờ! Giờ mà không đi gặp người dân tuyên truyền chắc là buồn lắm! Với lại làm cũng quen rồi. Cực nhưng vui. Tôi còn gầy dựng và duy trì sinh hoạt CLB đờn ca tài tử, vừa sinh hoạt, vừa kết hợp tuyên truyền luôn, vui lắm!”.

Hỏi anh tự thấy đã học tập được đức tính gì ở Bác, anh nói liền: “Điều gì ở Bác cũng đáng để tôi học. Nhưng Bác là vĩ nhân, mình chỉ ráng làm theo sức của mình, đó là làm gì thì làm hết mình, cần cù, chịu khó học hỏi. Việc tuyên truyền cũng phải học. Học cách tuyên truyền sao cho gần gũi, sinh động, dễ hiểu, dễ thấm. Đã làm là phải tới nơi tới chốn…”.

Anh nói, học và làm theo Bác là việc cả đời. Anh rất thích đọc những quyển sách về Bác, ghi nhớ những câu nói hay của Bác và cố gắng để làm theo, làm cho con người mình tốt hơn. Bên cạnh đó, anh chọn cách sống hòa đồng, không nản lòng trước khó khăn và sống rất tiết kiệm để nuôi dạy các con thành người. Anh nói, mình có làm tốt thì mới là tấm gương cho con cái được, nên cố gắng sống tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục các con biết kính trên, nhường dưới, cố gắng học tập thật tốt…

“Mình phải gương mẫu, là đảng viên phải đi đầu, khi đó đi vận động mọi người cũng mạnh miệng hơn và người dân cũng tin tưởng hơn… Mình có trọng dân, gần dân, hết lòng vì dân thì nhân dân mới quý mình, đó cũng là điều Bác đã dạy”, anh Sách đúc kết.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>