Cái nôi của Học viện Chính trị miền Nam

09/02/2019 | 11:18 GMT+7

Năm nay, Hậu Giang long trọng kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn: 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ; 50 năm xây dựng Đền thờ Bác ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ; 20 năm chia tách/nâng huyện Vị Thanh thành thị xã và thành lập huyện Vị Thủy. Năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lương Nghĩa cũng có niềm vui khi nơi đây được trên thuận chủ trương xây dựng đài tưởng niệm Trường Đảng miền Nam, ở ấp 7.

Giờ lên lớp của học viên Trường Trường Chinh.

Tìm về lịch sử

Ngày 3-1-1949, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ, dự Hội nghị cán bộ quân sự mở rộng Nam bộ. Tại đây, thay mặt Xứ ủy, đồng chí vạch rõ những nhiệm vụ, phương châm chiến lược, chiến thuật cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân Nam bộ trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Duẩn (trái) và Nguyễn Văn Linh đến dự Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương tại Trường Trường Chinh.

Đồng chí nhấn mạnh: “Vấn đề củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và Nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền lãnh đạo trong bộ đội, dân quân là một nhiệm vụ quyết định sự mất còn của cách mạng”. Để thực hiện nhiệm vụ này, một trong những công việc phải làm ngay là gấp rút mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo các cấp trong Đảng, chính quyền, quân đội và đoàn thể.

Cũng vào thời điểm này, phái đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí Lê Đức Thọ, Dương Quốc Chính, Phạm Ngọc Thạch, Lê Toàn Thư… do đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn, được Trung ương Đảng và Chính phủ cử vào Nam đã đến Nam bộ. Dựa vào lực lượng cán bộ chủ chốt, có trình độ lý luận chính trị cao, Xứ ủy Nam bộ quyết định thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp cho Nam bộ.

Trường có nhiệm vụ trang bị những kiến thức cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng… cho học viên - những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Khu ủy, Tỉnh ủy, quân đội, đoàn thể. Từ đó, trường lý luận chính trị chính quy đầu tiên của Trung ương ở Nam bộ - Trường Đảng miền Nam, ra đời và được mang tên Trường Trường Chinh.

Hội trường Trường Trường Chinh, ở ấp Ngang Dừa (ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang ngày nay).

Tháng 9-1949, sau một thời gian ngắn chuẩn bị tích cực, khóa I Trường Trường Chinh khai giảng, tại ấp Ngang Dừa (có tài liệu ghi ấp Ngang Mồ), xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc ấp 7, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Dự khai giảng khóa I có đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Bạch. Xứ ủy Nam bộ khi ấy đã trực tiếp chỉ định Ban điều hành trường gồm các đồng chí: Nguyễn Thượng Vũ (Nguyễn Văn Vĩnh), Phó Bí thư Xứ ủy, làm Trưởng ban; đồng chí Lê Minh Trí, Phó Trưởng ban trực, kiêm Trưởng Ban Giáo vụ, điều hành mọi công việc trường; đồng chí Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Văn Nguyễn, làm Ủy viên.

Lớp học được tổ chức thành một chi bộ học viên, cấp ủy do Xứ ủy trực tiếp chỉ định; đồng chí Dụ làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Phan Văn Đáng (Hai Văn) làm Phó Bí thư Chi bộ. Lớp có 141 học viên, phần lớn đều là cán bộ cấp khu ủy viên, thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên, trung đoàn ủy viên (từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Nam bộ) và các ban, ngành thuộc Ủy ban Kháng chiến - hành chính Nam bộ, Xứ ủy Nam bộ. Học viên được bố trí ở phân tán trong dân; trường chỉ có một căn nhà lớn kê bàn ghế đơn sơ làm nơi giảng dạy, học tập.

Nói thêm về địa thế, đây là vùng căn cứ địa cách mạng, dân cư khá tập trung và có truyền thống yêu nước, rất dễ dựa vào dân học tập, lao động; trường tọa lạc trên khu vực gia trang cũ của Hào Bửu, một phú hào giàu có ở địa phương. Nơi đây có hệ thống nhà cửa, sân, bãi, giếng nước, vườn tược rộng rãi; dưới bến sông có xây một cầu tàu ra xa, trên bờ có trồng hàng dừa xiêm; ghe biển, ghe buồm các gia đình khá giả thường ghé qua neo đậu ở cầu tàu để nghỉ ngơi và thưởng ngoạn phong cảnh.

Những người địa phương từng phục vụ cho trường như bà Đinh Thị Vĩnh nấu cơm, phục vụ căn tin; ông Chín Thiện thường xuyên cung cấp lươn, cá cho trường; ông Hai Vùng làm bảo vệ; ông Lữ Minh Chánh, nguyên Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, từng học văn hóa ở trường này từ lớp 5 vỡ lòng đến lớp 4… Khi trường còn đang hoạt động, Pháp có thả một trận bom nhưng không ngay lớp học; tàu Tây từ Rạch Giá vô Ngang Dừa khi qua ngang trường có quăng lựu đạn làm chìm ghe chở nước ngọt cho trường đang đậu dưới bến.

Đi vào hoạt động, Xứ ủy Nam bộ đặc biệt quan tâm đến lớp học, trực tiếp cử cán bộ cấp cao của Đảng đến giảng dạy. Các bài học về đường lối kháng chiến, phương pháp tư tưởng, lịch sử Đảng và xây dựng Đảng, quân sự, kinh tế, chính trị học, nhà nước và cách mạng, báo cáo ngoại khóa… đã được các đồng chí Lê Duẩn, Lưu Quý Kỳ, Lê Đức Thọ, Dương Quốc Chính, Lê Toàn Thư, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Văn Linh, Phan Vân… trình bày trước lớp.

Việc rèn luyện tác phong quân sự, sức khỏe, ý thức tổ chức, trách nhiệm, đạo đức, tác phong… được ban điều hành đặt ra, tổ chức thực hiện trong lớp, tạo không khí thi đua học tập, rèn luyện, nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Công tác bảo vệ an toàn, bí mật cũng được thực hiện chu đáo, hiệu quả. Trong khóa học, nhà trường tổ chức mít-tinh trọng thể kỷ niệm 20 năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Lê Duẩn đến dự và đọc diễn văn động viên học viên thi đua học tập.

Cuối tháng 2-1950, Trường Trường Chinh chuyển tới ấp Ngang Trâu, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu nhằm đảm bảo an toàn hơn và bế giảng khóa I tại đây. 

Học để phụng sự giai cấp và Nhân dân

Trên nền trường cũ 3,4ha là phần đất trồng cây lâu năm, cây ăn trái (có cả vườn tạp) của 8 hộ dân, ở ấp 7, xã Lương Nghĩa và đất của chùa Linh Môn Quang. Bước vào đây, dấu tích hoang xưa vẫn còn; một vài cây tràm chừng 40 năm tuổi vừa bị đốn hạ; còn mấy cây dừa mang sẹo do đạn bắn từ thời chiến tranh; đất ở đây vẫn chưa được rửa hết phèn mặn…

Người dân ở đây nghe kể lại, hồi 9 năm chống Pháp, xứ này nhà dân không đông lắm. Đại đa số bà con phải đi bộ, luồn lách qua lối mòn sình lầy, bụi rậm để giao tiếp. Nước dưới sông chỉ vài tháng ngọt, còn lại nhiều tháng mặn, vì vậy, muốn có nước ngọt xài quanh năm phải đào mương sâu để chứa và tích nước mưa, cũng vì thế mà lúa chỉ cấy được một mùa, khó khăn trăm bề…    

Trường Đảng miền Nam được cất lên (cây tạp, lá dừa nước, bàn ghế chôn chân bằng cây bần, trâm bầu…) cũng góp phần thêm đông đúc khu vực này. Nhưng để thích ứng, nhà trường tận dụng lại cơ sở vật chất của địa chủ Hào Bửu và đào thêm mương chứa nước ngọt. Hiện dấu tích của mương vẫn còn nhưng lạng bớt…

May mắn cho người viết là được gặp bà Trần Thị Hai, 92 tuổi, sống cốt cựu ở ấp 7, từng nấu cơm cho cán bộ trường này.

Bà Trần Thị Hai kể về giai đoạn nấu cơm ở Trường Đảng miền Nam.

Bà Hai vẫn còn đi lại tới lui trong xóm, kể chuyện huyên thuyên nhưng không nhớ hết chuyện hồi đó. Bà nói từng tham gia học lớp “Nữ dân chủ” với chị em (bà không nhớ rõ tên) ở trường này; lúc học thì thôi mà dừng học thì chị em gom lại nấu cơm, đồ ăn cho cán bộ.

Bà kể chuyện ăn ở nơi này như gạo thì không biết ở đâu nhưng có nấu hoài; cá thì có thường xuyên hơn thịt nhưng chỉ kho, luộc, nướng chứ không phong phú. Ở đây, trường lớp rất đơn sơ, phòng học cất chen với rừng cây tạp. Để thuận tiện, trường còn cất thêm phòng cho cán bộ và học viên ở xa; muỗi thì nhiều dữ lắm nên có phòng phải cất bít gần hết, chỉ chừa cửa rồi may bao bố sụp xuống cho kín. Bà Hai nói: “Cán bộ lội bộ đi học là nhiều vì không có xuồng ghe; lớp học thì đông nhưng trật tự, chỉ huy nói học là học. Họ ăn học ở đây cực từng con cá, lá rau, người thì đông nên ăn lấy sống để học”.

Có lẽ khi ấy và đến bây giờ bà Hai đã nghiệm ra một điều là “ăn lấy sống để học” của cán bộ. Bởi những cán bộ ấy dù thiếu đói vẫn phải học và tham gia chiến đấu đánh đuổi ngoại xâm - bản lĩnh và mục đích của những cộng sản kiên trung.

Địa điểm khuôn viên Trường Đảng miền Nam trước đây.

Trường Đảng miền Nam ở Hậu Giang là nơi sản sinh ra những thế hệ cộng sản biết lo cho dân cho nước; chắp cánh cho những hành động cao cả về một Việt Nam sớm sạch bóng thực dân, đế quốc… Nó đã hiện thực hóa ý kiến của Bí thư Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn: “Vấn đề củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và Nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền lãnh đạo trong bộ đội, dân quân là một nhiệm vụ quyết định sự mất còn của cách mạng”.    

* * *

Sau Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 (từ ngày 14 đến 18-1-1949), thực hiện chủ trương của Đảng về công tác huấn luyện cán bộ phục vụ sự nghiệp cách mạng, Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc chính thức được thành lập và trở thành trường huấn luyện cán bộ hoạt động thường xuyên.

Một sự trùng hợp là cũng vào tháng 9-1949, tại Định Hóa, Thái Nguyên đã tổ chức khai giảng lớp lý luận chính trị dài hạn cho cán bộ chủ chốt khóa 2. Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm trường và nói chuyện với các học viên. Người đã ghi vào Sổ vàng nhà trường những lời huấn thị bất hủ: “Học để làm người, học để làm việc, làm cán bộ; học để phụng sự giai cấp và Nhân dân; phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Từ những chỉ dạy ấy của Bác, định hướng rõ từ Trường Đảng mà lớp lớp cán bộ, đảng viên của cả nước đã học để phụng sự giai cấp và Nhân dân… Thành quả là một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, khá giả và sẽ tiếp tục tiến xa hơn nữa trên con đường phát triển, hội nhập.

Tìm về cội nguồn để thấy, 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc/Trường Đảng miền Nam đã không ngừng lớn mạnh, tiếp tục hệ thống lý luận chính trị biện chứng, sắc bén, “củng cố sự lãnh đạo của Đảng” trong tình hình mới.

Dẫn người viết đến gõ từng nhà những nhân chứng còn lại của Trường Đảng miền Nam, nhưng tất cả tuổi cao sức yếu, ông Võ Văn Tững, Bí thư Chi bộ ấp 7, nói rằng được ông bà, cha mẹ kể lại ngôi trường này và rất tự hào vì xứ mình là cái nôi của Trường Đảng danh tiếng. “Chúng tôi và chùa Linh Môn Quang đã sẵn sàng hiến đất để Học viện Chính trị khu vực II xây dựng tượng đài tưởng niệm. Đây sẽ là nơi tìm về của nhiều thế hệ và giáo dục truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của ông cha ta. Chúng tôi rất mong tượng đài sớm được xây dựng hoàn thành”, ông Tững nói.

 

Nhấn mạnh đến học tập chính trị, năm 1949, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: “Đối với việc học tập của mỗi đảng viên, thành công thứ nhất là biết áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi lúc, mỗi nơi; thành công thứ hai là đạo đức thêm cao, Đảng tính thêm mạnh”.

 

LÊ HỮU PHƯỚC

Bí thư Huyện ủy Long Mỹ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>