Cẩn trọng khi dùng mạng xã hội

04/04/2019 | 07:30 GMT+7

Những năm gần đây, mạng xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến các lĩnh vực đời sống xã hội; với tính năng cho phép, người dùng đã kết nối, tiếp cận, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro.

Sử dụng mạng xã hội đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho công việc, cuộc sống.

Nhiều người đã tận dụng triệt để tính năng ưu việt của mạng xã hội để phục vụ hiệu quả cho cuộc sống, công việc.

Tận dụng

Là sinh viên mới ra trường chưa có việc làm, em Nguyễn Thị Hồng Loan, ở phường V, thành phố Vị Thanh, thường xuyên cập nhật trang mạng xã hội facebook để tìm kiếm việc làm.

Loan chia sẻ: “Qua theo dõi trên facebook thì thấy có không ít doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng lao động. Em đang nghiên cứu để tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân”.

Ông Phan Văn Tèo, Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu Hậu Giang Yên Bình An, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, nói: “Tôi thường lên các trang mạng xã hội như facebook, zalo để tìm hiểu thị trường và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó học hỏi được nhiều điều bổ ích”.

Thấy được lợi ích từ mạng xã hội nên từ năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hậu Giang đã đề ra chỉ tiêu mỗi huyện, thị, thành đoàn và tương đương sử dụng mạng xã hội (facebook) để tuyên truyền tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên.

Theo anh Nguyễn Minh Thương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, tất cả các huyện, thị, thành đoàn và đơn vị tương đương đều lập trang mạng xã hội facebook để tuyên truyền tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên, qua thời gian thực hiện đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Văn bản, thông tin, hình ảnh hoạt động của các cấp bộ đoàn đều được đăng tải nhanh chóng, kịp thời. Cụ thể như trong Tháng thanh niên năm nay, các huyện, thị, thành đoàn và đơn vị tương đương đã đăng tải nhanh chóng kết quả thực hiện ở đơn vị mình, góp phần tạo thêm khí thế sôi nổi cho công tác đoàn và phong trào thanh niên.

Anh Thương cho biết thêm: “Lướt qua facebook của các đơn vị, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn dễ dàng nắm bắt hoạt động đoàn diễn ra trong tỉnh; hiểu được phần nào tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên để có những chỉ đạo phù hợp với thực tế”.

Tránh những thông tin xấu, độc

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, năm 2018, lực lượng công an cả nước phát hiện gần 285 trang mạng, tài khoản facebook và kênh youtube thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước; trung bình mỗi tháng đăng tải khoảng 17.000 bài viết, video clip chống phá Đảng.

Đáng lưu ý, hoạt động tuyên truyền chống phá được chuẩn bị kỹ lưỡng, được tổ chức thành chiến dịch và lợi dụng vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, nhạy cảm, với phương thức dẫn nguồn báo chí công khai có sự cắt xén, thêm bớt thông tin thật, giả để tạo niềm tin cho người xem nhằm tác động chuyển hóa tư tưởng, kêu gọi biểu tình.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng phản động còn thành lập nhóm trên các trang mạng xã hội để liên lạc, tuyển lựa, huấn luyện, tập hợp lực lượng để thực hiện hoạt động chống phá.

Những năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin mạng. Kết quả phát hiện, ngăn chặn 16 video clip, 1 bài viết có nội dung nói xấu cán bộ, tuyên truyền mê tín dị đoan; xử lý 1 đối tượng tấn công trang thông tin điện tử của sở, ngành; xử lý 4 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước, 1 đối tượng tham gia biểu tình, gây rối an ninh trật tự. Đặc biệt, đã phát hiện, xử lý hình sự 2 vụ với 6 đối tượng hoạt động khủng bố và tuyên truyền chống phá Nhà nước.

Dự báo thời gian tới, các đối tượng phản động sẽ tiếp tục lợi dụng không gian mạng để hoạt động chống phá, thúc đẩy âm mưu diễn biến hòa bình, lật đổ chế độ. Từ tình hình trên đòi hỏi các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo khai thác những mặt tích cực của không gian mạng trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao ý thức bảo mật không để lộ, lọt bí mật nhà nước; chú trọng sử dụng internet, mạng xã hội làm phương tiện đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch bằng những việc làm, hành động cụ thể trong từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần thường xuyên theo dõi, phát hiện xử lý, phản bác kịp thời các thông tin sai lệch, thù địch trên không gian mạng, không để các đối tượng xấu tác động đến Nhân dân; đồng thời triển khai thực hiện các biện pháp quản lý thông tin, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Đại tá Phan Hoàng Lắm, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường năng lực cho lực lượng đảm bảo an ninh văn hóa tư tưởng, trọng tâm là đảm bảo an ninh mạng để cùng phối hợp với các ngành, các cấp trong quản lý, đấu tranh với các hành vi lợi dụng không gian mạng nhằm thực hiện hoạt động phá hoại”.

Dùng mạng xã hội để lan tỏa cái đẹp

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Khi sử dụng mạng xã hội thì đoàn viên, thanh niên nên chia sẻ những gương điển hình tiên tiến, những hành động đẹp, những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống đời thường, từ đó nhân rộng, lan tỏa cái thiện, cái đẹp trong xã hội.

---------

Ông Trần Văn Huyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy: Có những trang mạng dễ làm cho thế hệ trẻ nhụt chí và mơ hồ. Chính vì vậy, khi sử dụng mạng xã hội thì cần hết sức cẩn trọng với các trang mạng có tính chất phản động. Tuổi trẻ cần thành lập các nhóm mạng xã hội để tuyên truyền, thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động đoàn; đồng thời tạo ra kênh chính thống để phản bác lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>