Chỉ có 48% đại biểu Quốc hội tán thành việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

30/05/2019 | 16:07 GMT+7

Ngày 29-5, Quốc hội đã lấy ý kiến các đại biểu bằng hệ thống điện tử về 2 nội dung của Dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi), trong đó có Quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, quy định tại Điều 33 Dự thảo Luật.

 

Qua bấm nút, có 424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, trong đó số đại biểu đồng ý là 234 (chiếm 48,35%); số đại biểu không đồng ý là 180 (chiếm 37,19%) và 10 đại biểu không tham gia ý kiến (2,07%).

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, kết quả biểu quyết cho thấy quy định này chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) bằng hệ thống điện tử. Ảnh: Quốc hội.

Điều 33 dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) có quy định: “3. Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Luật này và thực hiện theo các quy định tại Điều 32 của Luật này. Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.

Không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trong việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam; không tổ chức khu sản xuất, điểm lao động trong khu vực dân cư và tại những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự hoặc có thể ảnh hưởng xấu tới công tác quản lý phạm nhân.”

Qua thảo luận tại hội trường vào ngày 22-5 vừa qua, quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn...

Theo chương trình kỳ họp, toàn bộ dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp (ngày 14-6).

Theo PHƯƠNG HẰNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>