Chủ động tiếp cận công nghệ để làm báo đa phương tiện

17/06/2020 | 09:28 GMT+7

Đã qua rồi cái thời phóng viên “ra trận” với cây bút, quyển sổ, máy ghi âm to đùng, máy quay phim nặng trịch...

Phóng viên, kỹ thuật viên Báo Hậu Giang tham gia xử lý thể loại báo hình.

Bây giờ, người làm báo còn có thêm những dụng cụ hành nghề gồm laptop, máy ghi âm kỹ thuật số, máy quay phim hiện đại hoặc một chiếc smartphone kết nối 4G. Bao nhiêu đó đủ để tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi, truyền tải nhanh chóng hình ảnh, thông tin đến nơi cần thiết.

Gần 12 năm công tác tại Đài Truyền thanh huyện Châu Thành, phóng viên Thanh Phong chia sẻ, do yêu cầu công việc đòi hỏi phải “tác chiến” độc lập nên mỗi phóng viên bên cạnh chuyên môn giỏi còn phải làm chủ được công nghệ, phương tiện máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, máy tính... để xử lý hiệu quả công việc.

Anh Phong so sánh, 10 năm trước, để hoàn chỉnh 1 tin truyền hình mất 2-3 giờ, nào là quay phim, đổ băng, viết, thậm chí viết tay, đọc thuyết minh, dựng hình nhưng giờ đây rút ngắn hơn nhiều nhờ các phương tiện kỹ thuật số hiện đại…

Trong khi đó, việc nắm thông tin hiên nay cũng không khó với phóng viên khi mạng xã hội phát triển mạnh. Theo anh Hồng Thái, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Phân xã Hậu Giang, thông qua mạng xã hội đã giúp người làm báo khai thác thông tin nhanh hơn.

“Cụ thể, khi phóng viên thấy một vụ tai nạn giao thông, một vụ cháy hay sự kiện có tính thời sự xảy ra ở nơi nào đó do người dân dùng smartphone đăng trên mạng xã hội thì có thể dựa vào đó để khai thác, nhanh chóng xuống hiện trường mà không cần gọi hỏi nhiều nơi như trước đây”, anh Thái chia sẻ. 

Bên cạnh đó, nhờ tiện ích từ mạng xã hội, người làm báo có thể trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ thông tin về những vấn đề nóng, thời sự; đặc biệt là có thể làm việc online, làm việc không giấy, tác nghiệp trực tuyến… một cách linh động hơn.

Những năm gần đây, khi các loại hình báo chí sự giao thoa, đòi hỏi ngày càng cao về thông tin, hình ảnh, âm thanh của công chúng thì sản phẩm báo chí đa phương tiện ra đời, nhiều cơ quan báo chí đã tổ chức lại việc tác nghiệp, cho ra nhiều tác phẩm báo chí với hình thức đa dạng.

Chị Thiên Trang, phóng viên Báo Hậu Giang, nói thế giới đang thay đổi không ngừng, báo chí đa phương tiện là xu thế tất yếu, điều này đòi hỏi phóng viên phải đa năng, kiêm nhiệm, thực hiện nhiều loại hình báo chí, đa dạng cách thức tác nghiệp.

 “Làm báo đa phương tiện là thử thách không nhỏ, bởi mỗi thể loại đòi hỏi cách viết khác nhau. Do đó, bên cạnh tham gia các lớp tập huấn, mỗi phóng viên cần chủ động tự học, tự bồi dưỡng nghiệp vụ; học hỏi kinh nghiệm từ chính đồng nghiệp là cách rất hiệu quả”, anh Hồng Thái đúc kết.

Được tiếp cận nhiều loại hình báo chí, chị Thúy Hằng, phóng viên Báo Hậu Giang, thông tin tiện ích công nghệ giúp người làm báo viết tin, bài nhanh hơn, sửa chữa dễ, tra cứu thông tin kịp thời nhưng cái chính của phóng viên là phải đi nhiều, viết nhiều, đọc nhiều, tự nâng cao khả năng nghề nghiệp.

Chị Hằng thừa biết xu thế hiện nay là phát triển báo đa phương tiện nên không thể bỏ qua việc thường xuyên học hỏi để biết cơ bản, thực hiện nhanh các sản phẩm báo in, báo hình, báo nói nhằm thích ứng với xu thế, nhất là đúng theo định hướng phát triển của Báo Hậu Giang trong tương lai.

Cho dù có phát triển đến đâu, báo chí cách mạng vẫn phục vụ nhiệm vụ đổi mới đất nước; đạo đức, nghĩa vụ người làm báo cách mạng vẫn là điều quan trọng nhất trong tác nghiệp, hình thành tác phẩm báo chí…

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>