Chú trọng bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số

06/06/2017 | 09:22 GMT+7

Đó là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Đảng bộ huyện Long Mỹ đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả, nhất là nâng cao chất lượng công việc.

Ông Danh Lươl, Ủy viên Thường trực UBMTTQVN huyện luôn nỗ lực hết mình trong công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Được sự giới thiệu của Ban Tổ chức Huyện ủy Long Mỹ, chúng tôi tìm gặp ông Danh Lươl, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) huyện cũng là lúc ông chăm chú soạn báo cáo 6 tháng đầu năm 2017. Mặc dù công việc hàng ngày khá nhiều, cộng với làm báo cáo nhưng văn bản trên bàn làm việc được ông bố trí gọn gàng, ngăn nắp, khoa học. “Công việc cũng như sắp xếp văn bản, chủ yếu mình bố trí làm sao cho khoa học, gọn gàng thì mọi chuyện sẽ trôi trải”, ông Danh Lươl cho biết.

Tốt nghiệp đại học ngành kinh tế - tài nguyên môi trường năm 2010, cũng là dịp Hậu Giang tổ chức thi công chức, nên ông Danh Lươl đăng ký tham gia và trúng tuyển, sau đó được bố trí tại UBMTTQVN huyện Long Mỹ với nhiệm vụ là cán bộ văn phòng. Để hoàn thành tốt công việc được giao, hàng ngày ông đến cơ quan đúng thời gian quy định, luôn cố gắng phấn đấu hết khả năng, không né tránh, ngán ngại nhiệm vụ được giao, đặt trách nhiệm của bản thân lên hàng đầu. Đặc biệt, không ngừng học hỏi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các cấp lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp, sách, báo và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn công tác của bản thân để có những ý kiến đúng đắn, kịp thời cho lãnh đạo và phục vụ công việc. Nói về công việc, ông Danh Lươl chia sẻ: “Công việc nào trước thì làm trước, công việc sau thì làm sau, chứ không để dồn mà rối”. Từ đó, những công việc mà lãnh đạo giao ông đều làm đúng thời hạn và chất lượng khá tốt. Năm 2016, ông đã tiếp nhận khoảng 450 văn bản đến, phát hành trên 340 văn bản đi.

Không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên môn, ông còn có những sáng kiến khá hay như: “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác văn phòng”, “Tham mưu xây dựng mô hình tổ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc Khmer gắn với vận động không vi phạm pháp luật”, ở ấp 4, xã Xà Phiên… Ghi nhận những kết quả đó, năm 2016 ông được nhận bằng khen của UBND tỉnh, Ủy ban Trung ương MTTQVN vì hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác Mặt trận. Đặc biệt, thực hiện Đề án của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo”, ông là một trong những cán bộ dân tộc thiểu số được Đảng bộ huyện quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo.

Còn ông Quách Hoàng Phong, ở xã Xà Phiên được biết đến là cán bộ năng nổ, nhiệt tình trong công việc. Từ năm 2006-2011, ông là Bí thư, kiêm Trưởng ấp 5, xã Xà Phiên. Thời điểm ấy, ấp 5 có trên 46% hộ nghèo, đường sá đi lại khó khăn, cách trở. Trước tình hình đó, ông Phong đến từng hộ gia đình nghèo vận động, hướng dẫn họ cách thức làm ăn, đặc biệt chỉ dẫn thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt; tạo điều kiện để họ tiếp cận với các chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ xây cầu, đường, trường, trạm… Do đó, đến cuối năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của ấp còn khoảng 37%, hệ thống giao thông nông thôn cơ bản được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, thông thoáng.

Nhờ hoạt động năng nổ, năm 2011, ông được Đảng ủy xã Xà Phiên điều động làm cán bộ xóa đói giảm nghèo xã, đến năm 2014 được bổ nhiệm làm cán bộ tổ chức Đảng ủy xã. Dù ở vị trí nào ông cũng luôn cố gắng, nỗ lực hết mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để nâng cao năng lực, ông được đơn vị tạo điều kiện học trung cấp công tác xã hội (2014-2016). Sau khi học xong, ông vận dụng kiến thức đã học vào công việc một cách trôi trải, nhuần nhuyễn, giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm. Ông Phạm Hoàng Khâm, Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, đánh giá: “Dù ở đâu, công việc gì, đồng chí Phong luôn nỗ lực phấn đấu hết mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí xứng đáng để nhiều cán bộ trong xã học hỏi”.

Hiện, toàn huyện Long Mỹ có 106 cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó cấp huyện là 10, lĩnh vực giáo dục là 38, cấp xã là 2, cán bộ bán chuyên trách cấp xã là 8… Thực hiện Đề án của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo”, huyện đã quan tâm, tạo điều kiện, bồi dưỡng những cán bộ này. Theo đó, đến nay, trong 106 cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số thì về cấp huyện, 7 đồng chí có trình độ đại học, 3 đồng chí trung cấp, trong đó 1 đồng chí có cao cấp chính trị, 7 đồng chí trung cấp; về cấp xã 10 đồng chí có trình độ đại học. Ngoài ra, đến nay huyện đã đề bạt, bổ nhiệm 5 đồng chí, trong đó cấp huyện 3 đồng chí, trường học 2 đồng chí.

Ông Trần Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Long Mỹ, đánh giá: “Nhìn chung, những đồng chí mà chúng tôi đề bạt, bổ nhiệm đều có đạo đức, năng lực công tác tốt, hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, họ tham mưu, đề xuất kịp thời lãnh đạo để chỉ đạo các công việc một cách sát sao, hợp lý”.

Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Long Mỹ, thời gian tới, đơn vị sẽ quy hoạch cấp ủy cơ sở 19 đồng chí, trong đó có 4 đồng chí đương nhiệm, tạo điều kiện cho 6 đồng chí học chính trị; quy hoạch cấp ủy cấp huyện 2 đồng chí, trong đó 1 đồng chí cấp ủy đương nhiệm.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong huyện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ người dân tộc thiểu số đủ năng lực, trình độ đảm đương được vai trò lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tốt công việc được giao trong tình hình mới. Tiếp tục rà soát, bổ sung các chính sách nhằm thu hút cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học về công tác, không ngừng bổ sung đội ngũ cán bộ có trình độ cao đảm đương được nhiệm vụ. Có chính sách để khuyến khích công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”, ông Chính cho biết.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>