Có nên mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước?

21/11/2017 | 15:12 GMT+7

ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng việc chỉnh sửa, bổ sung Luật Phòng, chống, tham nhũng trước mắt nên đáp ứng nhiệm vụ xử lý thật tốt các đối tượng hiện tại. Ảnh: QH

Sáng nay, 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Các đại biểu thảo luận, tranh luận sôi nổi về việc nên hay không nên mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước.

Luật PCTN không phải con dao duy nhất

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết ông rất băn khoăn việc mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước. Tham nhũng là tội phạm có chủ thể đặc biệt, không phải ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội tham nhũng được. Một chủ thể có thể phạm tội đưa hối lộ nhưng không thể gọi là đồng phạm với tội tham nhũng.

ĐB Nhưỡng cho rằng tính khả thi của việc mở rộng phạm vi như vậy là không đảm bảo, có nhiều mâu thuẫn khi "một mặt cho rằng thu hẹp diện kê khai tài sản, nhưng mặt khác lại muốn mở rộng diện kiểm soát tham nhũng. Tôi cho rằng chúng ta không đủ khả năng. Quy định không khả thi, đưa vào luật rất khó" - ĐB Nhưỡng nhận định.

ĐB Nhưỡng cũng cho rằng "Có thể sử dụng các luật khác nhau để xử lý, trong đó có vi phạm hành chính hoặc vi phạm luật hình sự. Tôi tán thành quan điểm cần cắt đường dây kết nối giữa khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước, hay nói cách khác là cắt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng, những không có nghĩa chúng ta chỉ sử dụng một con dao duy nhất là Luật phòng chống tham nhũng để cắt sợi dây này mà có những quy định khác nữa. Tôi đề nghị cân nhắc việc mở rộng này" - ĐB Nhưỡng kiến nghị.

"Quan điểm của tôi là không tán thành mở rộng, nên bố trí kê khai tài sản của người bắt đầu vào ngạch công chức và kiểm soát từ đó trở đi" - ĐB nêu quan điểm .

Xử lý tốt đối tượng hiện tại rồi hãy tính mở rộng

Các ĐB khác như ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đều cho rằng không nên mở rộng phạm vi đối tượng vì nhiều lý do. Trong đó nổi trội là việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng trước mắt cần giải quyết tốt hiện tại, xử lý tốt và hiệu quả những đối tượng đang áp dụng Luật Phòng chống tham nhũng.

"Với bối cảnh hiện nay, cần làm tốt, làm hiệu quả phạm vi đang áp dụng đã là cần thiết. Chính sửa, bổ sung trong phạm vi hiên nay là đã hiệu quả rồi. Đặc biệt là trong bối cảnh Nghị quyết Trung ương 5 có đề cao việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân thì việc mở rộng phạm vi đối tượng càng phải có lộ trình, làm hiện tại hiệu quả rồi hãy mở rộng" - ĐB Ngân kết luận.

Theo ĐỨC THÀNH - XUÂN HẢI/laodong.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>