Có nên tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam cho phạm nhân?

20/11/2018 | 16:21 GMT+7

Sáng 19-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác về tư pháp, bảo đảm thực thi các phán quyết của Tòa án trên thực tế. Bên cạnh đó, dự án Luật Thi hành hình sự (sửa đổi) có tính chất phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động trực tiếp đến đời sống, an ninh xã hội. Vì vậy, đề nghị xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp, nhằm bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) lại cho rằng: Nếu theo quy trình 3 kỳ họp thì đến năm 2019 dự án Luật mới được thông qua và sớm nhất là đến tháng 12-2019 mới có hiệu lực. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, tức là trong vòng 2 năm sẽ không có cơ sở pháp lý để tổ chức thi hành các nội dung mới của Bộ luật Hình sự như thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại… Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có giải pháp xử lý phù hợp, tránh tình trạng thiếu cơ sở pháp lý để thi hành các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Có nên tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam cho phạm nhân?

Điều 17 dự thảo luật quy định: Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định này. Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng quy định này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi việc tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân là nhằm giáo dục, cải tạo cho phạm nhân nhưng cũng phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình giam giữ và cải tạo. Do vậy, việc lao động của phạm nhân chỉ nên tổ chức trong trại giam hoặc khu sản xuất, khu lao động ở khu vực quản lý của trại giam. Thực tế, việc này đã được tổ chức thực hiện tốt từ trước đến nay, vì vậy, đề nghị cho giữ nguyên quy định như tại Luật Thi hành án hình sự hiện hành.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, có ý kiến tán thành với quy định như trong dự thảo Luật và cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi hơn cho giải quyết việc làm, tiếp xúc xã hội cho phạm nhân, qua đó nâng cao hiệu quả lao động, ý nghĩa giáo dục thiết thực đối với phạm nhân. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động sản xuất bên ngoài trại giam trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Bởi khi phạm nhân có điều kiện làm quen với công việc lao động sản xuất gần với môi trường ngoài xã hội thì sau khi ra tù, họ sẽ nhanh chóng tiếp cận việc làm. Đó là điều kiện rất quan trọng để phạm nhân có thể sớm tái hòa nhập cộng đồng, giảm bớt sự mặc cảm, tự ti. Bên cạnh đó, mức chi chế độ giam giữ, ăn ở, lao động, học tập cho người chấp hành án phạt tù hiện nay chỉ mới ở mức tối thiểu, bảo đảm nhu cầu cơ bản nhất cho phạm nhân. Vì vậy, việc phạm nhân được lao động, sản xuất, nhất là sản xuất ở bên ngoài trại giam thì sẽ sản xuất được những mặt hàng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện cuộc sống cho chính phạm nhân, đồng thời giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các trại giam. Đặc biệt, việc tổ chức cho phạm nhân lao động và sản xuất bên ngoài trại giam trong một số trường hợp phạm nhân có thể có việc làm ngay tại chính doanh nghiệp đó sau khi mãn hạn tù.

Tuy vậy, để thực hiện tốt chế định mới này, đại biểu lưu ý, không áp dụng đại trà mà chỉ áp dụng đối với những phạm nhân sắp được mãn hạn tù, có ý thức cải tạo tốt, còn trong độ tuổi lao động, có sức khỏe; không áp dụng đối với những phạm nhân phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thuộc những loại tội như buôn bán ma túy, giết người, cướp tài sản và những phạm nhân có ý thức cải tạo kém. Cơ sở giam giữ phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức phối hợp với doanh nghiệp khi đưa phạm nhân ra lao động bên ngoài, nếu không bảo đảm các điều kiện và không đủ khả năng kiểm soát phạm nhân thì không được tổ chức cho phạm nhân ra ngoài lao động. Ngoài ra, phạm nhân phải được trả thù lao, được ký hợp đồng lao động, được bảo đảm an toàn, có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các quản giáo theo quy định của Công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên; làm việc ở khu lao động tập trung và dành riêng cho phạm nhân...

Bảo đảm quyền của trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân

Quan tâm đến điều 80 quy định chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc và các quyền, nghĩa vụ khác đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam, theo đại biểu Bùi Quốc Phòng, có một số người bị kết án tử hình yêu cầu một số quyền khó bảo đảm tính khả thi trên thực tế, đã gây lúng túng cho cơ quan thực thi pháp luật (ví dụ như xin hiến tạng...). Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật để dễ dàng cho việc thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) lại quan tâm đến việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân, ở cùng bố mẹ trong trại giam, trại tạm giam, tạm giữ. Theo đó, khoản 3 điều 50 dự thảo luật quy định, những trẻ em này được hưởng chế độ ăn như đối với bố, mẹ, được cấp 2 khăn mặt, 2kg xà phòng, 2 bộ quần áo bằng vải thường...; điều 54 quy định, khi các em bị mắc bệnh thông thường có thể khám và điều trị tại bệnh xá của trại giam, tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho trẻ em được cấp tương đương 4kg gạo/người/tháng.

Theo đại biểu, cách tiếp cận này của dự thảo chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, chưa bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm trẻ em này, bởi đây không phải là người phải chấp hành án, mặt khác đây là nhóm trẻ em rất nhỏ, có hoàn cảnh đáng thương, đặc biệt. Do vậy, những trẻ em này cần được có sự quan tâm đặc biệt, ít nhất là bảo đảm đúng quy định của Luật Trẻ em. Chế độ ăn của các em không thể như người lớn về định lượng, thành phần dinh dưỡng, loại thực phẩm...; chế độ mặc và nhu yếu phẩm thiết yếu cũng phải được quy định như tại dự thảo luật được; việc khám chữa bệnh cũng phải được thực hiện theo đúng quy định về bảo hiểm y tế. Mặt khác, theo Luật Trẻ em, trẻ em ở độ tuổi này cũng cần được quan tâm cụ thể, chẳng hạn như được trợ giúp, duy trì mối quan hệ, tiếp xúc với cha mẹ, gia đình...Do vậy, đại biểu đề nghị dự luật cần quy định quyền của người cha, mẹ khi đến thăm nuôi cũng được ưu tiên về số lần và thời gian nhiều hơn so với người bình thường.

Vẫn theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, qua thực tiễn theo dõi về thi hành án, án treo không giam giữ cho thấy, việc tổ chức thi hành án treo, không giam giữ trên thực tế ở nhiều nơi rất hình thức, không thực chất; chính quyền cơ sở buông lỏng, người bị kết án hầu như không thấy được mục đích, ý nghĩa giáo dục của hình phạt và đương nhiên các chế tài này không có tác động đáng kể đến người bị kết án. Sự việc này, theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do việc xác định nghĩa vụ của người chấp hành án còn sơ cứng, nặng về hành chính, không phù hợp với thực tế hiện nay. Từ đó, đại biểu đề nghị cần có phân tích, đánh giá sâu sắc, đầy đủ về việc thi hành các chế tài hình phạt này trên thực tế, từ đó xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của việc thi hành án phù hợp với từng loại hình phạt, mang tính thực chất hơn, theo hướng giảm nhẹ nghĩa vụ mang tính chất quản lý hành chính như làm kiểm điểm, báo cáo, mà cần tăng cường kỹ năng mềm nhằm tác động trực tiếp đến nhận thức, ý thức của người bị kết án như khuyến khích các biện pháp để giúp họ có hoạt động cộng đồng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội...

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) thì cho biết, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, có nhiều khó khăn trong việc quản lý người bị kết án tử hình; những quy định trong việc quản lý người bị kết án tử hình còn nhiều bất cập, gây khó khăn. Theo đại biểu, thời gian giam giữ người bị kết án tử hình kéo dài gây áp lực cho đơn vị quản lý, số cán bộ quản giáo hằng ngày vào buồng giam tiếp xúc với người bị thi hành án đã bị không ít bị án có hành động chống đối, không hợp tác; bị án thường có tâm trạng bi quan, gây tâm lý chán nản, chống phá... "Thực tế cho thấy người bị kết án tử hình nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ có những hành động như bỏ trốn, chống phá, gây hậu quả đáng tiếc. Đề nghị dự luật cần quy định cụ thể thời gian, từ khi nhận đơn và trả lời đơn của bị án tử hình gửi lên Chủ tịch nước xin tha tội tử hình, quy định cụ thể là bao nhiêu ngày, có như vậy mới giải quyết được việc kéo dài thời gian giam giữ người bị kết án tử hình đã được tòa án các cấp xét xử phúc thẩm", đại biểu đề xuất.

Theo THẢO NGUYÊN/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>