Đã chuyển nhiều ý kiến liên quan đến đời sống dân sinh đến Quốc hội và Chính phủ

19/05/2017 | 08:07 GMT+7

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng ngày 22-5-2017. Chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã có các cuộc tiếp xúc ghi nhận ý kiến của bà con cử tri. Về nội dung kỳ họp và hướng giải quyết các vấn đề cử tri đề nghị, bà Nguyễn Thanh Thủy (ảnh), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, cho biết:

- Dự kiến, chương trình nghị sự kỳ họp thứ 3 sẽ tập trung một số nội dung quan trọng sau đây:

Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội sẽ tập trung xem xét, cho ý kiến, biểu quyết thông qua 18 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết. Do khối lượng công tác lập pháp khá lớn nên Quốc hội đã dành nhiều thời gian để các vị ĐBQH nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến tại tổ và tại hội trường. Một số dự thảo luật quan trọng, phạm vi điều chỉnh rộng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội được cử tri cả nước quan tâm đều được tổ chức lấy ý kiến nhiều lần tại các ngành, địa phương trước khi thông qua. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến và ban hành một số nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về xử lý nợ xấu; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018...

Quốc hội cũng sẽ tập trung xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 của Chính phủ; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước theo luật định. Một số nội dung quan trọng được ĐBQH và cử tri quan tâm sẽ báo cáo tại kỳ họp để đại biểu nắm và cho ý kiến gồm: Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Đây là nội dung giám sát được nhân dân cả nước rất quan tâm. Qua giám sát tối cao, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong cơ chế phối hợp quản lý nhà nước, nhằm bảo đảm quản lý tốt hơn an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới.

Đồng thời, sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ về những vấn đề nóng, bức xúc...

Thưa bà, qua tiếp xúc cử tri, bà con đã gửi gắm gì và Đoàn sẽ chuyển những vấn đề nào đến Quốc hội ?

- Từ ngày 4 đến 12-5-2017, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức cho các ĐBQH tiếp xúc cử tri theo đơn vị bầu cử; tổ chức 2 hội nghị chuyên đề để gặp gỡ, tiếp xúc cán bộ, công chức, viên chức ngành điện lực và ngành ngân hàng tỉnh. Qua đó, gặp gỡ trên 1.470 lượt cử tri, ghi nhận 76 lượt ý kiến, kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, Đoàn đã tổng hợp chuyển đến Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề lớn như: Công tác quản lý nhà nước về bình ổn giá xăng dầu, giá các mặt hàng nông, thủy sản, gia súc, gia cầm; về tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và hóa chất độc hại trong xuất - nhập khẩu, sản xuất và bảo quản thực phẩm. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai có hiệu quả quy hoạch cây trồng, vật nuôi và giải pháp đầu ra cho nông sản, vật nuôi của nông dân theo mô hình chuỗi liên kết…

Cử tri thị xã Long Mỹ phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với ĐBQH tỉnh. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Tiếp xúc cử tri nhiều lần bà có nhận thấy vẫn còn những câu hỏi cũ, theo bà làm sao để không còn tình trạng này ?

- Nguyên nhân có câu hỏi cũ là do người dân chưa tiếp cận đầy đủ thông tin và do công tác tuyên truyền ở cơ sở còn hạn chế; chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm giải quyết dứt điểm những yêu cầu nên việc phản ánh, kiến nghị của cử tri trong các đợt tiếp xúc vẫn còn những câu hỏi sự vụ, sự việc của những lần tiếp xúc trước.

Để khắc phục tình trạng này, theo tôi cần đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin; cấp ủy, chính quyền phải quan tâm giải quyết ngay từ cơ sở những yêu cầu, phản ánh của người dân; các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến hội viên, đoàn viên và nhân dân một cách đầy đủ, tập trung hơn nữa.

Bà con cử tri sẽ theo dõi hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và kỳ họp này qua những kênh thông tin nào, thưa bà ?

- Hiện nay, có nhiều kênh thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội như: Đài Truyền hình Việt Nam, kênh Truyền hình Quốc hội và những kênh thông tin, truyền thông chính thống khác. Ở tỉnh, bà con cử tri có thể theo dõi qua Báo Hậu Giang đăng trên trang 5 vào thứ sáu hàng tuần (thông tin thường xuyên hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ ở các trang khác của báo - PV) và trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang…

Xin cảm ơn bà !

TRÍ THỨC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>