Đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, nhất là “tham nhũng vặt”

19/07/2018 | 14:24 GMT+7

Đó là chỉ đạo của đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm với Ban Nội chính 63 tỉnh, thành phố diễn ra sáng nay (18/7).

Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: HH)

Đã đưa 408 vụ vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ (sau đây gọi tắt là ban nội chính tỉnh ủy) đã chủ động, phối hợp tham mưu cho tỉnh ủy, xây dựng và ban hành 940 văn bản chỉ đạo về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, bằng 55% so với cùng kỳ năm 2017.

Chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đã nghiên cứu, lựa chọn các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tham nhũng, kinh tế được dư luận quan tâm; các vụ án có đơn, thư phản ánh oan, sai; các vụ án còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để tham mưu đưa 408 vụ việc, vụ án vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Tính đến thời điểm báo cáo, các ban nội chính tỉnh ủy đã tham mưu giúp cấp ủy địa phương chỉ đạo, xử lý xong 108/408 vụ việc, vụ án; tham mưu giúp tỉnh ủy, thành ủy tổ chức 355 cuộc họp giao ban, chuyên đề để chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Các ban nội chính tỉnh ủy đã tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy và trực tiếp chủ trì tổ chức được 41 hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; ban hành 1.329 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thị, thành ủy, đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tăng 12,4% so với cùng kỳ; chủ trì, phối hợp thực hiện 271 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 516 cấp ủy, tổ chức đảng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, Chỉ thị 33-CT/TW, Kết luận 10-KL/TW của Bộ Chính trị… và một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như hoạt động tín dụng, ngân hàng; quản lý đất đai; mua sắm công; đầu tư xây dựng cơ bản; sử dụng các quỹ phát triển, bảo vệ rừng, môi trường…

Ban Nội chính các tỉnh ủy đã thẩm định và tham gia ý kiến đối với các đề án và 335 văn bản trình ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và nhiều báo cáo của cơ quan, tổ chức, đơn vị trình ban thường vụ tỉnh ủy, thành uỷ liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tham gia ý kiến đối với 1.564 trường hợp cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý…

Ban Nội chính các tỉnh uỷ đã tham gia với Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại, tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh, thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Ban nội chính xác minh, tham mưu xử lý 1.032 đơn, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý 1.823 đơn, phát hành 551 phiếu hướng dẫn; qua xử lý đơn đã phát hiện 18 vụ việc vi phạm, chuyển cơ quan chức năng xử lý (05 vụ có dấu hiệu tham nhũng)…

Tại Hội nghị, ý kiến từ ban nội chính các tỉnh, thành ủy đã làm rõ hơn những kết quả đã đạt được, đồng thời góp ý nhiều chuyên đề cụ thể nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: HH)

Mỗi tỉnh xử lý công khai 1-2 vụ việc về “tham nhũng vặt”

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy trong 6 tháng đầu năm.

Phân tích về tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, cần chú ý đến một số lĩnh vực, phần việc vẫn còn bị động, lúng túng, nhất là trong việc nắm tình hình, đặc biệt là nắm tình hình các vụ việc phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự, để kịp thời báo cáo, đề xuất ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy chỉ đạo xử lý.

Đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu, trong thời gian tới cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, tiếp tục chủ động, phối hợp tham mưu, đề xuất xây dựng chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch... của tỉnh ủy về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng; tham mưu, đề xuất giúp tỉnh ủy cụ thể hóa để thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu Ban Nội chính các tỉnh ủy cần chủ động, phối hợp nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cấp uỷ chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Chủ trì, tham mưu Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN vừa qua, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, nhất là “tham nhũng vặt”. Mỗi Ban Nội chính phải tham mưu thường trực cấp ủy chỉ đạo, xử lý nghiêm, công khai 1-2 vụ việc về “tham nhũng vặt” để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa “căn bệnh này”. Đồng thời, tham mưu thường trực tỉnh ủy chỉ đạo thanh tra, kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận phản ánh về tiêu cực, tham nhũng, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng ở địa phương.../.

Theo Hiền Hòa/dangcongsan.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>