Để báo chí kịp thời định hướng dư luận xã hội

16/07/2018 | 08:34 GMT+7

Đó là vấn đề trọng tâm mà đại diện các sở, ban, ngành liên quan, cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tập trung thảo luận tại Hội nghị giao ban báo chí quý III/2018 vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (đứng), Phó Giám đốc Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long, trao đổi ý kiến thảo luận tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN GIA

Theo bà Trần Thị Xuân Trang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thời gian qua, việc cung cấp thông tin trên cổng, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương chưa thường xuyên. Một số cơ quan, đơn vị chưa đăng tải thông tin người phát ngôn trên cổng, trang thông tin điện tử cũng như gửi danh sách người phát ngôn cho Sở Thông tin và Truyền thông theo quy định.

Cần chủ động cung cấp thông tin

Chính những tồn tại, hạn chế trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc truyền tải thông tin một cách nhanh chóng, chính xác đến với công chúng của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh trước xu thế truyền thông đa phương tiện như hiện nay. “Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động cung cấp thông tin, nhất là vấn đề bức xúc, phức tạp cho báo chí. Trong khi việc này cần phải tiến hành càng sớm càng tốt để báo chí kịp thời phản ánh, định hướng dư luận xã hội”, nhà báo Phùng Dũng, Văn phòng thường trú Báo Nhân dân tại Hậu Giang, cho hay.

Ngoài việc đánh giá cao công tác tổ chức giao ban cùng kế hoạch tập huấn kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thời gian tới của tỉnh, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Phó Giám đốc Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long, còn cho rằng đây là việc làm cần thiết và nên tổ chức thường xuyên. “Muốn định hướng dư luận xã hội tốt phải có người phát ngôn và họ phải chủ động cung cấp thông tin toàn diện, chính xác cho báo chí. Vì thông tin đầu tiên bao giờ cũng được người tiếp nhận nhớ lâu nhất, quan tâm nhiều nhất”, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm nhấn mạnh.

Còn nhà báo Cao Phong, Báo Sài Gòn Giải Phóng phụ trách địa bàn Hậu Giang, chia sẻ, chỉ có chủ động cung cấp nguồn tin chính xác mới có thể xử lý được tình trạng “khủng hoảng” thông tin gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đơn cử như trường hợp thông tin cắt xén tiền ăn của trẻ em ở một trường mẫu giáo đóng trên địa bàn huyện Châu Thành mới đây. Nếu cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, đồng thời cử đại diện phát ngôn chính thức về hướng xử lý vụ việc cho báo chí, thì vấn đề này sẽ trở nên đơn giản hơn.

Nhà báo Duy Khương, Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Hậu Giang, kiến nghị, thời gian tới, ngoài duy trì hội nghị giao ban báo chí định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, thì đối với từng vấn đề “nhạy cảm”, bức xúc thì tỉnh nên chủ động tổ chức họp báo riêng. Bởi từ nguồn chính thống do người phát ngôn hoặc cơ quan có thẩm quyền cung cấp, sẽ tránh được trường hợp nguồn tin bị lệch chuẩn, không thống nhất do các cơ quan báo chí phải tự đi gặp hết cơ quan, đơn vị này đến cơ quan, đơn vị khác nhau để khai thác, thu thập thông tin.

Đẩy mạnh công tác phản tuyên truyền

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phụng Hiệp Mai Văn Tình đề xuất tới đây, các cơ quan báo chí quan tâm viết nhiều hơn những bài phản tuyên truyền để chống lại mưu đồ chống phá của các đối tượng thù địch, phản động, khi mà trên mạng xã hội thường xuyên đưa các thông tin sai lệnh nhằm bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, cần tập trung tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để cho người dân thấy được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị…

Nhà báo Trần Anh Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, phân tích, không phải có tin, bài viết về phản tuyên truyền là có thể đáp ứng yêu cầu phản tuyên truyền. Do đó muốn phản tuyên truyền hiệu quả nhất đòi hỏi báo chí phải sớm có nguồn thông tin chính xác để kịp thời đấu tranh, phản bác lại. Đồng quan điểm, bà Trần Thị Xuân Trang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thừa nhận: “Cung cấp thông tin nhanh chóng cho báo chí là rất quan trọng. Điều này chẳng những góp phần ngăn chặn tình trạng khủng hoảng thông tin mà còn giúp ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương”.

Ông Nguyễn Hữu Tình, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đánh giá, mỗi loại hình, cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện không ngừng đổi mới về mặt thông tin và hình thức tuyên truyền. Thế nhưng từng lúc, từng nơi chưa thông tin kịp thời những vấn đề bức xúc mà báo chí quan tâm như công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ, vấn đề phòng, chống tham nhũng, đầu tư phát triển, ô nhiễm môi trường. Vì thế dẫn đến thông tin tuyên truyền đôi khi không theo đúng định hướng chung của tỉnh.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tình, bất cập kể trên chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Vì người đại diện cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế về khả năng, kỹ năng cung cấp thông tin, nên họ ngại tiếp xúc với báo chí. Chưa kể là công tác tuyên truyền phản bác các luận điệu xấu thời gian qua đôi khi chưa kịp thời, đặc biệt vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp, dễ gây hoang mang, hiểu nhầm trong quần chúng Nhân dân.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng phát ngôn, kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí. Lực lượng giảng viên sẽ được mời từ Trung ương vào để họ có thể chia sẻ thật nhiều kinh nghiệm quý, thông tin hữu ích về công tác này cho các học viên”, ông Nguyễn Hữu Tình cho biết. 

NGUYỄN GIA lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>