Đề nghị sửa những điều còn vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công

20/09/2018 | 14:42 GMT+7

Sáng 20-9, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đầu tư công được ban hành năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được sửa đổi, hoàn thiện như: Khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch...

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu. Đó là, nhóm chính sách về quy định chung, trong đó, đã tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương đối với các quy định về nguồn vốn đầu tư công; phân loại nguồn vốn; phạm vi điều chỉnh; điều kiện áp dụng; phân loại dự án... Thứ hai là nhóm chính sách về quản lý dự án, trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết, mất nhiều thời gian, nhằm cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi dự án đủ thủ tục đầu tư và được bố trí kế hoạch vốn. Thứ ba là nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công, trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục liên quan đến lập, thẩm định, quyết định, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo hướng phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện kế hoạch, tăng cường hậu kiểm....

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, một trong những yêu cầu quan trọng trong lần sửa đổi này là phải cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo luật cho thấy, còn nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA; quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm...

Thảo luận tại phiên họp, cơ bản tán thành với việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, song các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng cần rà soát, nghiên cứu lại các quy định cần sửa đổi chứ không sửa đổi toàn diện dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh nên rà soát, nghiên cứu lại, chỉ nên chọn những điều bất cập để sửa, còn những điều kia vẫn cho vận hành. “Trong những năm gần đây, tác động của đầu tư công đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ổn định ở mức cao và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần cân đối ngân sách. Do đó, không cần thiết sửa toàn bộ luật, Chính phủ chỉ nên xem xét lại sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ để hỗ trợ các dự án triển khai tốt và cả sự phối hợp trong nội bộ từng bộ để xử lý hồ sơ, thủ tục”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nêu rõ.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, cái gì đang vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công thì mới sửa luật. “Tờ trình nêu còn có sự lúng túng là đúng, bởi chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, tức từ kế hoạch đầu tư công hằng năm sang trung hạn, nhưng vấn đề này không phải do luật. Hay những điểm mà Chính phủ cho rằng còn “cứng nhắc”, “chưa đầy đủ” như công tác đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định vốn, khả năng cân đối nguồn vốn, giao vốn nhiều lần,… lại cũng không phải do luật mà do khâu thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Cho rằng rõ ràng 2 năm qua, kinh tế Việt Nam lại tăng trưởng và phục hồi mạnh, được thế giới đánh giá cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề như vậy có phải do Luật hay không và nhấn mạnh một lần nữa nguyên nhân do không tổ chức thực hiện luật chứ không phải do quy định trong luật. “Luật đầu tư công có khó khăn, nhưng bất cập trong Luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn do tổ chức thực hiện Luật đầu tư công chưa nghiêm. Tôi đồng ý cái cứng nhắc thì rà soát lại, cái gì thiếu, chưa đồng bộ thì sửa đổi, còn những gì không phải do Luật mà do công tác điều hành thì không sửa”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị rà soát lại một vài Nghị định của Chính phủ xem liệu có gây khó khăn cho triển khai thực hiện hay không vì khiến thủ tục rườm rà thêm, gây khó khăn và ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư công. “Không phủ nhận rằng Luật Đầu tư công còn một số vấn đề bất cập cần sửa nhưng nếu đổ thừa hết do Luật thì không đúng. Lần họp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi sẽ cung cấp cho thấy triển khai Luật Đầu tư công không được là do triển khai thực hiện chứ không phải do Luật”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ sửa những điều thực sự còn vướng mắc, bất cập, chứ không sửa toàn diện luật. Đồng thời, Ban soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ dự án luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, khả thi, phù hợp với thực tiễn, không để tình trạng Luật vừa ban hành đã phải sửa đổi và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo PHƯƠNG HẰNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>