Để việc ứng dụng công nghệ thông tin thêm hiệu quả

22/03/2018 | 07:37 GMT+7

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước là chủ trương của Trung ương được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt thời gian qua. Ở Hậu Giang, công tác này đã đạt nhiều kết quả.

80% số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được trang bị máy tính để làm việc.

Thời điểm mới thành lập tỉnh năm 2004, các cơ quan nhà nước trên địa bàn đều gặp khó về cơ sở vật chất làm việc; cả cơ quan chỉ có vài máy vi tính… cà tàng. Nhưng nay thì khác…

Hiệu quả rõ rệt         

Ông Phan Trường Giang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường IV, nhớ lại vào năm 2004, cơ quan (Đảng ủy, UBND phường) chỉ có 3 máy tính dùng chung, khi người này sử dụng thì người kia phải chờ nên hiệu quả giải quyết công việc không cao, nhất là việc soạn thảo văn bản phải mất khá nhiều thời gian.

“Từ đó đến nay, nhờ sự quan tâm, đầu tư của thành phố, tỉnh mà phường được trang bị thêm nhiều máy tính, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Vả lại, các máy tính đều có kết nối mạng internet nên việc trao đổi thông tin, văn bản giữa cán bộ, công chức trong phường và giữa phường với thành phố nhanh chóng, hiệu quả hơn”, ông Giang chia sẻ.

Không chỉ ở phường IV, chất lượng việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Vị Thanh được nâng lên qua từng năm.

Năm 2017, thành phố được Hội đồng đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh xếp loại tốt và là đơn vị cấp huyện duy nhất trong tỉnh có được vinh dự này. Những số liệu thống kê như: 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính trong công tác và 100% máy tính được kết nối internet và mạng nội bộ; 13/13 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố triển khai sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong luân chuyển, xử lý văn bản đến, giao việc cho từng cán bộ, công chức, đạt tỷ lệ 100%; 100% cơ quan hành chính nhà nước ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong với tổng số 58 chứng thư số… Điều đó cho thấy bước tiến đáng ghi nhận trong việc ứng dụng CNTT của địa phương này.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh Nguyễn Văn Hòa, thành phố đặc biệt quan tâm việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để thực hiện cải cách hành chính và là công cụ hữu hiệu để xây dựng chính quyền điện tử. Chính vì vậy, thành phố đã từng bước đầu tư về cơ sở vật chất và các phần mềm ứng dụng, tăng cường hiệu quả ứng dụng CNTT vào công việc để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Còn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng không ngừng nỗ lực nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn.

Năm 2017, Sở chi cho việc bảo trì thiết bị, nâng cấp hệ thống thông tin với kinh phí hơn 120 triệu đồng, trong đó trang bị máy chủ trên 70 triệu đồng. Nhờ vậy, hiện nay 100% cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính và có kết nối mạng internet phục vụ công việc; 100% văn bản đi, đến được quản lý hoàn toàn trên phần mềm; tất cả văn bản đến được xử lý đầu vào hoàn toàn trên môi trường mạng thông qua phần mềm từ khâu lãnh đạo Sở phân công xử lý văn bản cho các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, tới các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc giao việc cho chuyên viên.

Đặc biệt, Sở còn triển khai thực hiện số hóa hồ sơ người có công nhằm giúp cho việc tra cứu hồ sơ được nhanh chóng, thuận tiện, hạn chế ra vào kho lưu trữ.

Năm qua, Sở đã số hóa 7.872 hồ sơ và cập nhật vào phần mềm tìm kiếm thông tin người có công. Ngoài ra, Sở còn triển khai thực hiện các phần mềm chuyên ngành như: quản lý thông tin trẻ em; quản lý cơ sở dữ liệu giảm nghèo và bảo trợ xã hội Mis Posasoft; chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, quản lý thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài qua mạng điện tử (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3)…

Nhìn rộng ra toàn tỉnh, hiện có 80% số cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính để làm việc; 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh có kết nối internet. Tỉnh có hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đến các UBND cấp huyện; 100% sở, ban, ngành UBND cấp huyện có cổng/trang thông tin điện tử. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin qua môi trường mạng.

Theo ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, điều phấn khởi là mức độ ứng dụng CNTT của các sở, ngành tỉnh và huyện, thị, thành có sự tiến bộ rõ rệt qua từng năm. Điều đó thể hiện rõ nét trong năm 2017, khi số đơn vị loại yếu, trung bình giảm, còn loại khá, loại tốt tăng hơn so với năm 2016. Cụ thể, số lượng đơn vị xếp loại yếu cấp tỉnh giảm từ 9% xuống 4%, cấp huyện giảm từ 13% xuống còn 0%; số lượng đơn vị xếp loại trung bình: cấp tỉnh giảm từ 65% xuống 25%, cấp huyện từ 62% xuống 38%...

Đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNTT

Dù hiệu quả việc ứng dụng CNTT được nâng lên rõ rệt qua từng năm, nhưng theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh, lĩnh vực này còn tồn tại không ít những hạn chế nhất định.

Cụ thể, máy tính của một số đơn vị thuộc UBND cấp huyện bị xuống cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả xử lý công việc; trang/cổng thông tin điện tử tại một số đơn vị chưa được cập nhật thông tin thường xuyên; UBND các xã không có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên gặp nhiều khó khăn và bị động trong giải quyết công việc…

Với quyết tâm khắc phục khó khăn gặp phải và tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng CNTT thời gian tới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh giai đoạn 2018-2020.

Mục tiêu hướng tới là đảm bảo hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ tốt cho việc triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh, các ứng dụng chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu theo kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh, đảm bảo an toàn thông tin; đảm bảo điều kiện kỹ thuật tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia; tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng giữa các cơ quan trên cơ sở kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh. Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách CNTT của cơ quan, đơn vị; ứng dụng hiệu quả CNTT nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng…

Để thực hiện đạt các mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, thành phố cân đối kinh phí để đảm bảo thực hiện các dự án trọng điểm và xây dựng cơ sở hạ tầng cho ứng dụng CNTT của đơn vị; bố trí hạng mục kinh phí phục vụ ứng dụng CNTT nằm trong kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí mua sắm, sửa chữa, kinh phí chi thường xuyên của đơn vị. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thu nhập cho cán bộ chuyên trách CNTT của tỉnh, đồng thời tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ chuyên trách, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh, bày tỏ sự phấn khởi với tiến bộ của các sở, ngành tỉnh và các huyện, thị, thành về mức độ ứng dụng CNTT trong năm qua, nhưng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục nỗ lực hơn nữa đối với nhiệm vụ này thời gian tới, trong đó từng bước khắc phục khó khăn và sử dụng có hiệu quả hơn chữ ký số và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...

Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh đề ra một số chỉ tiêu cụ thể để thực hiện như: nhiều văn bản có thể sử dụng chữ ký số thay cho văn bản giấy, phấn đấu 90% các văn bản trao đổi trên môi trường mạng được ký số; 90% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ; hơn 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng. Bên cạnh đó, đảm bảo 100% sở, ban, ngành, huyện, thị, thành có cán bộ chuyên trách CNTT; 100% cán bộ chuyên trách CNTT có chuyên môn nghiệp vụ bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>