Đổi thay trên vùng căn cứ cách mạng

12/05/2020 | 08:35 GMT+7

Nhắc đến Phương Bình, huyện Phụng Hiệp là gợi nhớ về vùng căn cứ kháng chiến năm xưa. Ngày nay, nơi đây còn được biết đến là vùng đất anh hùng với nhiều đổi thay, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.

Khóm MD2 là một trong những cây trồng chuyển đổi hiệu quả ở Phương Bình.

Hiện Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, đóng trên địa bàn xã vẫn là nơi ghi dấu quãng thời gian lịch sử của Tỉnh ủy Cần Thơ trong việc triển khai các nghị quyết quan trọng để đánh bại kế hoạch “bình định nông thôn” và sự tấn công của 75 lượt tiểu đoàn địch, góp phần làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, Phương Bình đã được cấp có thẩm quyền công nhận là xã anh hùng, xã văn hóa từ năm 1995-1996.

Phát huy truyền thống anh hùng

Trải qua bao thăng trầm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên khi chứng kiến cảnh đổi thay của quê hương Phương Bình hôm nay, ông Nguyễn Hồng Thịnh, ở ấp Phương Quới, cho rằng nó giống như kỳ tích. Hiện đã 87 tuổi nhưng ông hoàn toàn minh mẫn để hồi tưởng và kể lại vanh vách những tháng ngày dài trực tiếp chỉ huy lực lượng phá đồn giặc, mở đường cho Tỉnh ủy Cần Thơ về hoạt động ở khu căn cứ.

Đó là vào thời điểm những năm đầu của thập niên 1970 của thế kỷ trước. Khi ấy, ông làm Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự xã Phương Bình. Chỉ tay ra phía con lộ bê tông cũng là tuyến đê bao cho khu vực canh tác của bà con trong ấp, ông Thịnh kể: “Vào giai đoạn 1970-1975, nơi này làm gì có lộ, có nhà cửa kiên cố như bây giờ. Dù có cũng chỉ là lều tranh, vách lá tạm bợ nhưng chưa chắc ai dám ở bởi đạn pháo của quân thù oanh tạc bất cứ lúc nào”.

“Sở dĩ chúng tôi đánh thắng trong điều kiện địa thế tứ bề đồn bót của địch là nhờ sự đoàn kết, ý chí kiên cường bám trụ trước tấm lòng đùm bọc, nuôi chứa của người dân địa phương. Phát huy truyền thống hào hùng đó, ngày nay, bà con Phương Bình đang tiếp tục ra sức xây dựng quê hương. Nổi bật là chung tay cùng Nhà nước khai phóng bưng biền, xây dựng đường sá, giúp bộ mặt làng quê ngày càng đổi mới”, ông Nguyễn Hồng Thịnh tâm đắc.

Cũng là người con quê hương Phương Bình nên ông Nguyễn Văn Tình, Bí thư Đảng ủy xã, luôn cảm thấy tự hào trước sự đổi thay vượt bật của vùng đất anh hùng này. Ông Tình cho rằng từ một con số không về kết cấu hạ tầng nông thôn nói chung thì nay hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày càng được đầu tư xây dựng hoàn thiện và khang trang hơn, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu cuộc sống người dân trên địa bàn.

“Ngoài tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi cũng rất quan tâm chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân trên địa bàn nói chung, gia đình chính sách, người có công cách mạng nói riêng. Minh chứng cho điều đó, Đảng bộ xã đã quyết tâm xây dựng và được cấp có thẩm quyền của tỉnh công nhận đạt 19/19 tiêu chí, trở thành xã nông thôn mới thứ 3 của huyện vào tháng 4 năm ngoái”, ông Tình nhấn mạnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Nét nổi bật của Phương Bình trong quá trình xây dựng nông thôn mới là địa phương đã tập trung chỉ đạo và vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ vậy, Phương Bình đã xây dựng được hơn trăm mô hình làm ăn có hiệu quả, cho thu nhập khá cao như: mô hình trồng cây có múi, rau màu, khóm…, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Sau thời gian ngắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, ở ấp Phương Thạnh, chủ yếu chuyên canh mía ngày nào thì nay được ví như vùng khóm nguyên liệu mới của tỉnh. Điểm khác biệt ở vùng nguyên liệu này là ở giống khóm Mỹ (MD2) và tất cả diện tích đều được doanh nghiệp đến liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nên đầu ra cũng như giá bán ổn định, tạo nguồn thu nhập cao cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp công nghệ cao ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, thừa nhận: “Khóm MD2 thích hợp với đất đai, thổ nhưỡng của vùng trũng có độ phèn nhẹ nơi đây. Do đó, sau nhiều năm thất thu từ cây mía, giờ gia đình tôi bắt đầu ăn nên làm ra bằng cây khóm MD2. Quả thật, nhờ chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng loại khóm này mà cuộc sống của nhiều hộ dân trong xóm ngày càng sung túc hơn”.

Bởi theo ước tính của ông Sỹ, với giá được công ty ký hợp đồng bao tiêu 5.700 đồng/kg thì trừ hết các khoản chi phí, người dân cũng còn lãi khoảng 20 triệu đồng/1.000m2. Trong khi trước đây, mỗi công đất trồng mía ở xứ này chỉ cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng là cùng. “Từ hiệu quả khá hấp dẫn nên nhiều hộ dân địa phương đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại khóm này. Giờ diện tích đã lên đến hàng chục héc-ta, tăng gấp nhiều lần so với năm 2018”, ông Sỹ cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tình, cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản theo tinh thần Nghị quyết số 04 của Huyện ủy. Đồng thời, quan tâm định hướng người dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và có thế mạnh của địa phương để nâng cao nguồn thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới.

Góp phần thực hiện điều đó, Phương Bình sẽ chủ động phối hợp tốt với các cấp, các ngành liên quan nhằm phát huy lợi thế du lịch của Di tích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ và Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; sử dụng và quản lý kết cấu hạ tầng nông thôn hiệu quả và đảm bảo tình hình an ninh - trật tự tại địa phương…

Từ năm 1972-1975, Tỉnh ủy Cần Thơ đã hoạt động tại căn cứ, dựa vào dân bám trụ địa bàn và lãnh đạo phong trào đấu tranh chống giặc của Nhân dân Cần Thơ lúc bấy giờ. Vì vậy ngày nay, khu di tích trở thành địa chỉ để Nhân dân Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đến tham quan, tìm hiểu về quá trình đấu tranh chống giặc, bảo vệ quê hương, đất nước của các thế hệ cha anh.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>