Báo chí và mạng xã hội

Gạn đục, khơi trong và cái tâm người làm báo

17/06/2019 | 07:31 GMT+7

Bên cạnh những mặt lợi ích về sự gắn kết, chia sẻ cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển, quảng bá của các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp, thì mạng xã hội còn rất nhiều vấn đề tồn tại, nhất là tính xác thực thông tin... đây là một trong số các ý kiến tại Hội thảo “Báo chí trước thách thức mạng xã hội” do Báo Long An tổ chức mới đây.

14 báo Đảng khu vực Đông và Tây Nam bộ tham dự hội thảo vừa qua tại Long An.

“Kết nối”, tận dụng mạng xã hội vào tuyên truyền

Nhà báo Đinh Kim Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Đồng Nai, cho biết, Báo Đồng Nai xem mạng xã hội là một kênh thông tin để báo tiếp cận. Ở Đồng Nai có những trang fanpage với hàng chục ngàn người theo dõi, mang tính cộng đồng cao, chia sẻ rất nhiều thông tin trên các lĩnh vực… bên cạnh đó là hàng ngàn những trang fanpage hoặc facebook cá nhân khác, “Chúng tôi đã tiếp cận những thông tin đó, xem là những thông tin thô, cung cấp không ít nguồn tin quan trọng, vấn đề ở đây là chúng ta sử dụng thế nào cho đúng, phù hợp với định hướng tuyên truyền của một tờ báo Đảng”, ông Tuấn cho biết.

Còn nhà báo Nguyễn Trung Đồng, Phó Trưởng phòng Báo Điện tử, Báo Bình Dương, thì chia sẻ cách sử dụng mạng xã hội để kinh doanh báo chí. Nhà báo Trung Đồng cho rằng, với số lượng người dùng đông đảo, tính tương tác cao, mạng xã hội không chỉ có khả năng kết nối mà còn là môi trường lý tưởng cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị… Ông Đồng cũng dẫn chứng, trong sự kiện Hội nghị Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis 2018) tại tỉnh, trong rất nhiều công ty truyền thông, đài truyền hình, Báo Bình Dương đã ký kết được hợp đồng tuyên truyền chính, vì nhờ sử dụng mạng xã hội tuyên truyền hiệu quả cho Ban tổ chức và tương tác rất tốt, nhận nhiều phản hồi từ độc giả, khán giả ngoài nước, trong đó có những hoạt động phát trực tiếp những hội thảo quan trọng với sự tương tác rất cao với người xem. Trong các hợp đồng quảng cáo của báo này trên báo in, báo điện tử, còn có thêm các hậu mãi là đăng trên các trang mạng xã hội của báo, truyền hình online, vì thế đã góp phần thuyết phục các doanh nghiệp truyền thống “ở lại” với báo, đồng thời từng bước tiếp cận các đơn vị mới để gia tăng doanh thu về quảng cáo.

Theo các ý kiến tại hội thảo, ngoài nội dung hay, muốn tận dụng tốt mạng xã hội để thu hút quảng cáo thì hạ tầng, phần mềm phục vụ tương tác trên nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo hoặc các trang mạng xã hội khác phải được đầu tư mạnh.

Dù cho mạng xã hội có những ưu điểm và lợi thế lớn nhưng theo nhà báo Khắc Văn, Tổng Thư ký Tòa soạn, Báo Sài Gòn Giải Phóng, thì con “át chủ bài” của báo chí chuyên nghiệp hiện nay vẫn là thông tin chính thống và độ tin cậy cao, cứ kiên trì theo điều này sẽ được công chúng đón nhận, đọc báo, vì chính họ thấy được niềm tin vào tờ báo và thông tin của báo.

Không để mạng xã hội dẫn dắt

Ngồn ngộn thông tin, nhưng đó đa phần chỉ là thông tin một chiều, mang nặng quan điểm cá nhân, thiếu sự kiểm chứng. Nếu không sáng suốt, phóng viên báo chí sẽ bị dẫn dắt, thông tin không chỉ theo sau mà là theo đuôi mạng xã hội, dẫn đến sự phụ thuộc vào mạng xã hội.

Với nhà báo Huỳnh Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Tây Ninh, mạng xã hội với báo chí là cạnh tranh, là tương tác, là nguồn thông tin cho nhau… Kể về một sự việc, nhà báo Thanh Nam cho biết, năm 2018 trên mạng xã hội (tài khoản T.H.S) có đưa thông tin về một vụ nạn nhân bị sụt đất trên núi Bà, đáng nói là tài khoản này cho rằng lực lượng cứu hộ trên núi Bà Đen không kịp thời cứu hộ, cứu nạn mà còn có dấu hiệu nhũng nhiễu, kèm theo là các hình ảnh cắt ghép, chụp những góc ảnh làm người xem hiểu lầm. Tuy là thông tin chưa kiểm chứng, nhưng đã nhận được lượt chia sẻ, lượt xem, lượt bình luận khủng… Nhiều trang mạng không chính thống khác cũng đã đăng tải lại với dụng ý xấu.

Trao giải nhất bóng đá cho Báo Sài Gòn Giải Phóng.

Ngay sau đó, phóng viên Báo Tây Ninh đã xác minh, tìm hiểu thông tin trên, liên hệ với Ban Quản lý di tích núi Bà Đen thì biết không có một vụ việc nào như vậy xảy ra. Sau đó, bài viết phản bác, lên án thông tin sai sự thật đã được thực hiện, phân tích những vấn đề như núi Bà Đen là núi đá thì không thể có tình trạng sụt đất, việc cứu hộ là lực lượng chuyên nghiệp, được tập huấn, đào tạo bài bản, túc trực xuyên suốt trên các địa điểm thuộc di tích… Các thông tin chính thống sau đó được đăng tải trên mạng xã hội, được độc giả chia sẻ rộng rãi đã giúp cho người dân, du khách an tâm, hoạt động du lịch đã hạn chế được ảnh hưởng từ tin vịt…

Hiện nay, có không ít những tờ báo điện tử, có hẳn phóng viên phụ trách theo dõi các trang mạng xã hội của người nổi tiếng, các fanpage để lấy thông tin ngay tức thì cho “nóng”, dù đó là những thông tin mang tính rất riêng tư của người nổi tiếng, đơn giản là một hành động “cởi”, “tắm”, hoặc bắt gặp ai đi du lịch với ai. Rõ ràng đây là cách thông tin theo đuôi và bị mạng xã hội dẫn dắt.

Kiểm tra, kiểm chứng, sáng suốt khi tiếp cận thông tin là những vấn đề được Ban Biên tập các báo lưu ý đặc biệt với phóng viên, biên tập viên. “Để không bị mạng xã hội “dẫn dắt”, nhà báo Đinh Kim Tuấn cho biết thêm, Báo Đồng Nai không chạy theo tất cả các thông tin trên mạng xã hội mà có chọn lọc những vấn đề người dân quan tâm, những vấn đề tác động đến xã hội, có ý nghĩa đến đông đảo người dân; không chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, các thông tin đều phải đúng theo xu hướng: Đúng, Trúng, Đủ, Đời. Nên những thông tin vừa thời sự, đủ thông tin và phản ánh được không khí đời sống.

Còn nhà báo Phạm Văn Sơn, Phó Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc (Tiền Giang) cho rằng, không phải ai cũng đủ bản lĩnh, bình tĩnh để kiểm chứng thông tin trên mạng là đúng hay sai, chính xác hay bịa đặt. Tin giả hiện nay không chỉ là vấn đề của mỗi người ngồi tại hội thảo mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, đặt thêm trọng trách cho những người làm báo trong việc cung cấp, định hướng thông tin.

Nhà báo tranh tài sôi nổi

Trong khuôn khổ Họp mặt Báo Đảng miền Đông Nam bộ lần thứ 9 (mở rộng), diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-6, Báo Long An đã tổ chức giải bóng đá, bơi lội nữ, karaoke, tạo điều kiện cho 14 cơ quan báo chí các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ giao lưu với nhau. Các vận động viên thi đấu sôi nổi, nhiệt tình trong sự cổ vũ hào hứng của gần 200 nhà báo, phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí. Kết quả, Báo Sài Gòn Giải Phóng giành giải nhất bóng đá, giải nhất bơi lội thuộc về Báo Tây Ninh. Riêng phần thi karaoke, Báo Đắk Nông giành giải nhất, Báo Hậu Giang giành giải nhì.

Lần họp mặt thứ 9 tại Long An có sự tham gia của các Báo: Sài Gòn Giải Phóng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đắk Nông, Hậu Giang, Ấp Bắc, Đồng Khởi, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long. Lần họp mặt năm 2020 sẽ diễn ra tại tỉnh Đồng Nai.

 

HOÀNG NGUYÊN ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>