Giảm một bậc của sự phát triển kinh tế nhưng an lòng dân

21/04/2020 | 07:35 GMT+7

Bức tranh kinh tế - xã hội Hậu Giang những tháng đầu năm nhiều điểm sáng tối được kiểm soát. Giảm và tăng là điều thấy khá rõ qua những con số, chỉ số.

Kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề là điều được nhắc đến khi đề cập đến hệ lụy, hậu quả do dịch Covid-19 gây ra. Hậu Giang cũng vậy với nhiều chỉ tiêu giảm so cùng kỳ. Cụ thể là giảm tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ; thương mại và xuất khẩu; nông sản rớt giá nghiêm trọng; giảm nhiều lượng du khách nước ngoài về tỉnh; giảm xuất khẩu lao động sang các nước… Những chỉ tiêu thành phần này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của năm và sẽ được đánh giá, phân tích rõ vào báo cáo cuối năm 2020 tỉnh nhà.

Một lần chậm bước của Hậu Giang nói riêng là phép thử cho sức khỏe nền kinh tế và sự chỉ đạo, điều hành vực dậy các mặt bị tác động xấu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Kết quả ban đầu thấy rõ là sự quyết tâm vào cuộc ngăn chặn dịch Covid-19 từ các cấp, các ngành; áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế giảm sút kinh tế, thu nhập của người dân; vận động mọi nguồn lực cho an sinh để đối tượng “dễ tổn thương” không bị ảnh hưởng nhiều…

Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu là dù khó khăn do dịch bệnh nhưng tỉnh đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các mặt; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hoạt động chia sẻ, đỡ đần lẫn nhau trong mùa dịch phát huy tích cực; trên tinh thần Nghị quyết số 42 của Chính phủ, tỉnh sẽ chi trả đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trùng, sót đối tượng, không để xảy ra tiêu cực…

Kinh tế giảm sút và những giải pháp kiềm chế thời Covid-19 thấy rõ sự năng động của cấp ủy, chính quyền vì lợi ích chung, từ đó tăng thêm lòng tin của người dân vốn được vun đắp nhiều năm nay.

Lòng tin vững chắc nhất đến thời điểm này của cả nước nói chung và người dân Hậu Giang nói riêng là Việt Nam đủ sức ngăn chặn được sự lây lan của dịch Covid-19, đủ sức chữa trị những cas nhiễm dù rất nặng.

Người dân Hậu Giang cũng có niềm tin chắc chắn rằng công tác kiểm soát, phòng ngừa lây nhiễm ở tỉnh rất hiệu quả. Sự chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị ứng phó khi có tình huống bất ngờ của các cấp, ngành thời gian qua nghe cũng rất an lòng.

Niềm tin còn được nhân lên khi nhiều tổ chức, cá nhân sẵn lòng đoàn kết, chia sẻ tiền bạc, vật chất một cách rất kịp thời để “đỡ đần lẫn nhau trong mùa dịch” như thể người trong một nhà. Nhiều lắm rồi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, ở các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và sâu tận ấp, phum sóc, ai cũng nghe nói tặng gạo, tiền, nhu yếu phẩm, khẩu trang, xà bông… cho hộ “dễ tổn thương” mùa dịch. Ấm lòng, an lòng lắm chứ!

Vấn đề có thể nhìn nhận ở góc độ mối quan hệ giữa chính quyền với Nhân dân. Hiểu rõ chính quyền xã hội chủ nghĩa là do dân bầu ra, dân làm chủ nên “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm”; cán bộ, đảng viên cũng thấu hiểu “Nhân dân ta chính là cơ sở nền tảng xã hội - chính trị của Đảng ta” nên ra sức vun đắp lòng tin, chăm lo cho Nhân dân - chăm lo cho cái gốc của sự phát triển. 

Giảm một bậc của sự phát triển kinh tế nhưng an lòng dân là sự đánh đổi có giá trị. Qua cơn đại dịch, nhiều người tin tưởng chỉ số hài lòng của Nhân dân đối với chính quyền tăng đáng kể. Qua cơn đại dịch, nhiều người lạc quan về tinh thần đoàn kết kết thành một khối của cấp ủy đảng - chính quyền - Nhân dân thêm bền chặt, keo sơn… Lòng tin ấy, sự lạc quan có cơ sở ấy là một trong những động lực vực dậy kinh tế - xã hội tỉnh nhà sớm phát triển mạnh mẽ…

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>