Giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách nào ?

09/06/2017 | 08:24 GMT+7

Toàn tỉnh hiện có 7.755 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với khoảng 30.530 khẩu, trong đó trên 2.550 hộ nghèo, chiếm 31,3%. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao như hiện nay phải bằng cách nào ?

Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh khảo sát hộ nghèo ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ.

Cố gắng nhưng vẫn nghèo

Đến nhà ông Danh Phụng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, vào buổi trưa cũng là lúc vợ chồng ông vừa đi giăng lưới về. Chỉ vào thau đựng khoảng 1kg cá sặc, ông Phụng than: “Giăng lưới cả buổi mà chỉ có bấy nhiêu, kiếm ngày nào ăn ngày đó. Vợ chồng tôi cũng chí thú làm ăn nhưng chẳng hiểu sao mấy năm qua không thể thoát nghèo”.

Gia đình có 2 công ruộng nhưng tới 8 miệng ăn. Hiện 3 người con đang đi học, 2 người làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn 1 người bị bệnh thấp khớp không làm nặng được. Để lo cuộc sống gia đình, hàng ngày, vợ chồng ông làm mướn nhiều nghề. Song 1 ngày làm lại có đến 2, 3 ngày nghỉ; 2 công ruộng thì mỗi năm làm 2 vụ nên đủ ăn là mừng.

Đáng nói là ông Phụng khá tiết kiệm trong chi tiêu, kể cả mua xe gắn máy đi lại cũng không dám. Khi hỏi về định hướng làm ăn trong thời gian tới, ông Phụng nói: “Nếu có vốn tôi sẽ mua trâu về kéo lúa mướn hay để đẻ bán trâu con, vì nơi đây cỏ rất dễ kiếm. Ngoài ra, tôi sẽ cải tạo lại đất để trồng khóm hoặc nuôi cá, đất này còn nhiễm phèn khá nặng, làm lúa năng suất không cao”.

Khác với ông Phụng, gia đình ông Danh Sinh, cũng ở ấp 6, lâm vào cảnh nghèo khó từ nhiều năm qua. Bởi gia đình chỉ có 1 công ruộng, đất lại nằm trong vùng trũng nên năng suất mỗi vụ chỉ được khoảng 400-600kg. Trong khi đó, con ông bị bệnh động kinh, vợ bệnh viêm đa cơ nên mọi gánh nặng cuộc sống đều do ông gánh vác. Đã 62 tuổi, ngoài việc đồng áng, ông Sinh còn phải đi làm mướn để lo cái ăn cái mặc cho gia đình.

Một phần lo chi tiêu trong cuộc sống, một phần lo chạy chữa thuốc men cho vợ và con nên gia đình lúc nào cũng thiếu thốn. Ông Sinh chia sẻ: “Tôi muốn thoát nghèo lắm chứ, vì như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và cuộc sống của mình đỡ vất vả hơn nhưng làm quanh năm mà vẫn không dư. Tuổi cũng cao, sức khỏe giảm, nếu có vốn tôi sẽ mở tiệm tạp hóa hay chăn nuôi nhằm cải thiện cuộc sống gia đình”.

Nhiều giải pháp giảm nghèo

Không chỉ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, mà ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng lâm vào cảnh nghèo khó tương tự. Trong đó, gia đình bà Thị Chuyên, ở ấp Thạnh Trung, là một minh chứng.

Bà Chuyên có 3 người con, tất cả đã lập gia đình và ra riêng. Do không đất sản xuất, nhiều năm qua, vợ chồng bà luôn lam lũ làm mướn kiếm sống. Để cải thiện kinh kế gia đình, cách đây trên 10 năm, bà vay 6 triệu đồng nhưng đến nay chưa trả được.

Khó khăn hơn là vào khoảng 4 tháng trước, chồng bà qua đời. Hiện tại, mọi chi tiêu sinh hoạt trong nhà đều phụ thuộc vào các con hỗ trợ. Bà Chuyên lo lắng: “Tôi đã lớn tuổi rồi không còn đủ sức khỏe để làm mướn nữa. Cuộc sống của tôi không biết rồi sẽ ra sao?”.

Qua khảo sát mới đây của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là do thiếu đất ở, đất sản xuất; một số hộ vay vốn làm ăn nhưng không hiệu quả, không có khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hộ chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi; một số hộ được vay thì mức vay không đủ theo nhu cầu để sản xuất. Nhiều hộ không có phương án làm ăn cụ thể, nhất là có hộ còn tâm lý “nước nổi bèo trôi”.

Trong khi đó, một số nơi, chính quyền địa phương chưa gắn kết được việc đào tạo nghề với vay vốn để giúp họ biết cách làm ăn, sử dụng vốn vay hiệu quả, có tích lũy, thu nhập ổn định.

Theo ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, qua đợt khảo sát này đơn vị sẽ đề xuất với UBND tỉnh có hướng tháo gỡ, giúp đỡ họ thoát nghèo.

Những giải pháp được ông Triệu đưa ra là tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để phát triển nhanh kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng theo hướng khai thác thế mạnh sẵn có. Cần nâng cao trình độ dân trí, đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe; triển khai sâu rộng công tác hỗ trợ cho đồng bào nâng cao trình độ canh tác đi đôi với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ vốn để chuộc đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo.

“Quan trọng là tập trung khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, động viên đồng bào dân tộc thiểu số phát huy kinh nghiệm, tay nghề để tạo ra hàng hóa chất lượng cao. Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo con em đồng bào dân tộc; tạo nguồn cán bộ dân tộc có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng đồng bào. Trên hết, mỗi hộ cần phải nỗ lực hết mình để vượt qua nghèo khó, trở nên khấm khá hơn trong cuộc sống”, ông Triệu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>