Góp nhiều ý kiến sát thực tế

01/06/2017 | 08:39 GMT+7

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, trong các phiên thảo luận xây dựng luật, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang có nhiều đóng góp quan trọng.

Quang cảnh đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), thiếu tướng Phạm Thành Tâm, Phó Tư lệnh Quân khu 9, đóng góp:

- Về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, Chương I: Quy định chung của dự thảo luật có Điều 7 với 7 khoản quy định về nội dung này. Đây là những nguyên tắc nhất quán, xuyên suốt, áp dụng cho việc quản lý, sử dụng đối với tất cả các loại tài sản công. Tuy nhiên, dự thảo luật lại có thêm 2 điều nữa quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, đó là Điều 113: Nguyên tắc quản lý, sử dụng đất đai, và Điều 121: Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài nguyên.

Nội dung 2 điều này có những điểm trùng với Điều 7. Ngược lại, nhiều nội dung Điều 7 không có trong Điều 113 và Điều 121. Tôi lấy ví dụ: Khoản 7, Điều 7 quy định: “Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, nhưng Điều 113 và Điều 121 không có các nội dung này.

 Nếu đất đai và tài nguyên chỉ được quản lý, sử dụng theo các nguyên tắc tương ứng tại Điều 113 và Điều 121 thì là thiếu so với Điều 7. Trong khi đó, nhiều nội dung tại Điều 113, 121 trùng với các nguyên tắc tại Điều 7. Quy định như vậy lại là thừa, không cần thiết, thậm chí còn không thống nhất với Điều 7. Ví dụ khoản 2, Điều 121 nêu: “Việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên phải theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch, an toàn tiết kiệm, có hiệu quả, theo nguyên tắc thị trường…”.

Việc quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là việc quản lý lại “theo nguyên tắc thị trường” thì rất cần phải cân nhắc. Khoản 7, Điều 7 quy định: “Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật”; Điều 7 không có quy định nào về “việc quản lý, sử dụng” phải “theo nguyên tắc thị trường”. Do vậy, tôi đề nghị cân nhắc lại nội dung các Điều 113 và Điều 121.

Về Điều 122: Khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên, quy định: “Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên được thực hiện theo các hình thức: Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên; thu tiền sử dụng khu vực biển; thu tiền sử dụng rừng, tiền thuê rừng; thu tiền thuế tài nguyên; thu phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên; các hình thức khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, các khoản thu từ việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên là các khoản thu ngân sách Nhà nước và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí, ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, tại Điều 125: Quản lý, sử dụng các khoản thu từ khai thác tài nguyên, khái niệm: “các khoản thu từ khai thác tài nguyên” e rằng chưa thể hiện hết các khoản thu từ “khai thác các nguồn lực tài chính từ tài nguyên” như quy định tại Điều 122. Do vậy, đề nghị thể hiện lại Điều 125 cho thống nhất, bao quát hết các nguồn thu từ việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên.

Thảo luận dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đóng góp một số ý kiến:

- Tại Điều 3 về giải thích từ ngữ quy định 28 khoản, trong đó khoản 23 giải thích từ ngữ về lối đi dân sinh: Lối đi dân sinh là đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt do tổ chức, cá nhân tự xây dựng và khai thác, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Theo tôi, giải thích như vậy chỉ phù hợp dùng từ lối đi tự mở. Thực tế cho thấy, nếu chúng ta dùng từ lối đi dân sinh thì trong bất kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng nào cũng cần phải quan tâm đến nhu cầu đời sống của nhân dân, trong đó có lối đi dân sinh. Các lối đi dân sinh là yêu cầu bức thiết mà chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương phải quan tâm giải quyết cho dân. Khi dùng từ lối đi dân sinh thì đồng nghĩa chúng ta hiểu đó là phục vụ cho nhu cầu chung và đây chính là nhu cầu chính đáng của nhân dân. Ở địa phương, khi chúng ta làm các công trình, dự án đều quan tâm đến vấn đề mở lối đi dân sinh. Do vậy, đề nghị sửa khoản 23, Điều 3 về giải thích từ ngữ và thay cụm từ “lối đi dân sinh” thành “lối đi tự mở” thì phù hợp hơn.

Tại khoản 3 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hợp đồng đường sắt, tôi cũng đề nghị sửa cụm từ “cấm mở lối đi dân sinh” thành “cấm tự mở lối đi” thì sẽ phù hợp hơn. Vì lối đi dân sinh hiện nay hiện hữu và cho dân sinh thì phục vụ cho nhu cầu chung. Nhà nước hay chính quyền địa phương, đơn vị chủ đầu tư dự án phải quan tâm đến nhu cầu chung, còn “tự mở” là có khi chỉ đáp ứng nhu cầu cho một nhóm đối tượng nào đó hoặc cũng có thể do lợi ích cá nhân chứ không phải là dân sinh. Và theo tôi cũng nên có quan điểm về mở rộng trong kinh doanh đường sắt…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>