Góp sức cho ngày toàn thắng

27/04/2020 | 19:02 GMT+7

Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) cách nay 45 năm càng lùi xa vào quá khứ, nhưng trong tâm khảm của nhiều người thì đó là sự kiện có ý nghĩa thiêng liêng, là thành quả được đánh đổi bằng máu, nước mắt của biết bao thế hệ.

Bà Nguyễn Thị Út, ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, trân quý Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng được nhận năm 2016.

Những người trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng dân tộc đến nay đã lên chức ông, bà. Họ đã quên nhiều chuyện nhưng có những ký ức đẹp, bi hùng của một thời lửa đạn mãi in sâu trong tâm trí.

Góp sức đuổi giặc khỏi quê hương

Ít ai biết bà Nguyễn Thị Út (90 tuổi), ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, từng là một phụ nữ gan góc, dũng cảm trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Từng là trụ cột của phong trào phụ nữ ở xã Lương Tâm thời chiến, bà Út tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ tải lương nuôi bộ đội, vận động thanh niên nhập ngũ, kêu gọi lính ngụy trở về với chính nghĩa. Dấu chân của bà in khắp các nẻo đường ở Long Mỹ, Vị Thanh trong những lần vận động chị em đấu tranh tại các đồn giặc.

Bà Út chia sẻ: “Nhiều lần suýt chết nhưng không biết sợ là gì. Trong lòng tôi cứ nghĩ phải làm tốt nhiệm vụ do cách mạng giao để đánh đuổi giặc cút khỏi quê hương. Tôi coi đó là niềm vui, là động lực để vượt qua những lúc nguy hiểm và gian khổ nhất”.

Nhà bà Út thời đó còn là nơi trú ẩn an toàn của nhiều chiến sĩ. Hàng ngày, bà chăm sóc họ như người thân, nhà có gì cũng chia cho bộ đội cùng ăn. Vì nhiệm vụ công tác nên nhiều lượt bộ đội đến ở rồi đi tại nhà bà nhưng chưa từng bị giặc phát hiện.

“Xung quanh nhà tôi lúc ấy toàn là hố bom, có hố to bằng cái nền nhà. Giặc đánh phá ác liệt nên tình hình sản xuất cũng khó khăn lắm, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo đủ lương thực nuôi bộ đội. Nhà tôi ăn gì thì chiến sĩ ăn đó”, bà Út nhớ lại.

Giờ đây, trí nhớ giảm sút nên bà Út không nhớ rõ họ tên những người từng được bà cưu mang, che chở, chỉ nhớ họ đến từ nhiều địa phương trong cả nước; có người trú ẩn cả tháng ròng nhưng cũng có khi vài ngày. Nhiều người ra đi hứa trở về thăm bà sau ngày toàn thắng…

Theo lời bà Út, việc nuôi chứa bộ đội đã trở thành phong trào của xã Lương Tâm thời đó, nhiều gia đình như: bà Mới, bà Sánh, bà Tư… sẵn sàng cưu mang, đùm bọc bộ đội mà giặc không hề biết. Chẳng có lợi ích gì, thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm nhưng họ vẫn làm vì tin vào con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ vạch ra.

Chiến tranh lùi xa nhưng lòng bà Út vẫn bị đè nặng bởi nhiều ký ức. Bà nhớ và rất thương hai đứa em chồng do chính tay bà nuôi nấng, khi trưởng thành đã tình nguyện đi bộ đội và đều hy sinh. Bởi thế, bà luôn giáo dục con cháu phải biết quý trọng cuộc sống thời bình, ấm no của hiện tại, bởi nó đã được đánh đổi quá nhiều máu và nước mắt của cha anh.

Với nhiều đóng góp cho cách mạng, bà Út được kết nạp vào Đảng ngày 24-7-1966. Bà tâm sự: “Khi theo Đảng, theo cách mạng thì tôi không sợ gì cả, kể cả cái chết. Trong thâm tâm cứ nghĩ, nếu mình có chết đi thì nhiều người khác sẽ nối bước theo con đường cách mạng vinh quang mà Đảng lựa chọn”.

Vẫn chọn đi theo cách mạng

Mỗi khi trái gió trở trời là những vết thương ở tay và đầu của bà Ba Lộc (Nguyễn Thị Lộc), ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, âm ỉ đau. Nhưng người thương binh 3/4 này cho rằng vết thương ấy chưa là gì so với sự hy sinh, mất mát của nhiều người trong bom đạn chiến tranh.

Bà Ba Lộc tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi.

Bà Ba Lộc chia sẻ rằng, nam, nữ thanh niên thời ấy chỉ chừng 16 tuổi đã đòi… đi đánh giặc cứu nước. Hận kẻ thù giày xéo quê hương, giết hại đồng bào, bà Ba Lộc tự nguyện tham gia lực lượng quân y tỉnh Kiên Giang khi tuổi mới 15. Năm 1965, trong một lần vận chuyển thương binh, đơn vị, bà bị địch phát hiện, bọn chúng điên cuồng xả súng để tiêu diệt đối thủ. Bản thân bà Ba Lộc bị gãy tay và bị thương ở đầu.

Sau khi vết thương lành lặn, bà tiếp tục trở lại đơn vị. Năm 1967, trong một chuyến công tác, bà và một người cùng đơn vị bị giặc bắt và giam tại nhà tù Rạch Giá...

Để khai thác thông tin, lũ giặc không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Hết đánh đập rồi đến dùng điện tra khảo. Bà không nhớ hết số lần ngất xỉu vì sự tàn độc của kẻ thù. Nhưng đổi lại, lũ giặc chỉ nhận được cái lắc đầu cùng một tiếng “Không” của bà. Thấy không thể thắng được người Cộng sản kiên trung nên chúng trả tự do cho bà sau 1 năm giam cầm…

Vì lòng yêu nước mà bà Ba Lộc sớm chọn đi theo con đường cách mạng và không ít lần đối mặt với hiểm nguy. “Mấy chú, mấy anh nói làm cách mạng gian khổ và có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng tôi không sợ. Dù chịu nhiều thương tích trên cơ thể nhưng sự mất mát, đau đớn của tôi có là gì so với các anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn ngã xuống để đất mẹ đơm hoa. Nếu cho chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn đi theo con đường cách mạng”, bà Ba Lộc chia sẻ.

Anh dũng thời chiến…

Ông Chín Tỷ (Nguyễn Văn Tỷ), ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tham gia công tác tuyên huấn tại xã Vĩnh Tường năm 19 tuổi. Sau đó, vì yêu cầu của nhiệm vụ, ông được điều chuyển tham gia Xã đội Vĩnh Tường trực tiếp chiến đấu chống Mỹ. Dáng người nhỏ nhắn nhưng lòng dũng cảm của ông Chín Tỷ chẳng kém ai.

Năm 1966, địch tổ chức đánh vào ấp 2, xã Vĩnh Tường. Ông Chín Tỷ và một số đồng đội nhận nhiệm vụ chống càn. Khi đánh giáp lá cà, ông bị thương nặng ở cánh tay. Một đồng đội tên Tư đã kịp đưa ông tránh giặc trong một cái lung và ẩn trú ở đó từ 6 giờ sáng tới xế chiều. Máu từ cánh tay bị gãy ứa ra liên tục khiến ông Chín Tỷ đau đớn, có lúc kiệt sức tưởng không qua khỏi. Sau khi giặc rút quân, ông được đồng đội vận chuyển về quân y huyện Long Mỹ chữa trị.

“Vũ khí thô sơ nhưng chúng tôi cố gắng đánh chặn địch. 6 người tham gia chiến đấu hôm đó 1 người hy sinh, 1 người bị bắt và tôi bị thương. Tôi sống sót là nhờ đồng đội che chở, đùm bọc. Trên giường bệnh, dù điều kiện thiếu thốn đủ thứ nhưng các y, bác sĩ rất tận tình chăm sóc cho thương binh. Ân tình đó cả đời tôi không thể nào quên”, ông Chín Tỷ bồi hồi nhớ lại.

Chữa trị khoảng 1 năm thì ông Chín Tỷ ra viện nhưng không thể tiếp tục chiến đấu vì cánh tay bị thương nặng. Ông trở lại công tác tuyên huấn với nhiệm vụ rải truyền đơn; theo dõi nắm tình hình địch; vận động, kêu gọi lính ngụy quy hàng...     

Những lần vận động, thuyết phục, ông thường đọc vang những câu thơ:

“Những tháng ngày qua bao thanh niên lạc bước

Nay đã quay về cùng Tổ quốc yêu thương

Xây nên chiến công tươi đẹp

Dẹp tan bót đồn giữ quê hương ta vững vàng”.

Trong trận đánh đồn Hai Đằng, ông Chín Tỷ đã góp công vận động một số binh sĩ quy hàng, giúp lực lượng cách mạng đánh chiếm đồn này vào năm 1973.

Sau ngày đất nước giải phóng, ông tiếp tục đóng góp công sức tái thiết, xây dựng lại quê hương. Hơn 20 năm tham gia công tác chữ thập đỏ ở địa phương, ông không nhớ hết đã vận động hỗ trợ bao nhiêu phần quà, nhà tình thương cho hộ nghèo; xây dựng và sửa chữa cầu, đường phục vụ cho sự phát triển xóm ấp.

Ở cái tuổi 77, ông Chín Tỷ sống vui vầy bên con cháu nhưng ký ức về một thời đạn bom, chết chóc của chiến tranh còn đọng mãi trong ông. Ông hay kể cho thế hệ sau nghe về những người đồng đội như Bảy Thình, Chín Du... đã anh dũng ngã xuống để góp phần cho đất nước được hòa bình, thống nhất như hôm nay. Ông cũng nhớ về người em ruột Nguyễn Văn Tý tham gia đội viên du kích xã Vĩnh Tường hy sinh khi chưa kịp nhìn mặt con...

“Tôi sống đến tận bây giờ đã là điều may mắn so với nhiều đồng đội. Bởi vậy, tôi luôn tâm niệm làm được gì cho địa phương và người dân thì phải cố gắng làm. Tôi cũng luôn nhắc nhở, giáo dục con cháu phải sống thật tốt, sống có ích cho xã hội, vì cuộc sống yên bình hôm nay được đánh đổi bằng sự hy sinh của biết bao cha anh ngày trước”, ông Chín Tỷ chia sẻ.

* * *

Bà Út, bà Ba Lộc, ông Chín Tỷ là những đại diện cho tinh thần yêu nước, anh dũng, bất khuất, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng. Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng đã thôi thúc các thế hệ người dân Việt Nam chấp nhận hy sinh, quyết đứng lên đánh thắng kẻ thù làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ngày nay những tấm lòng yêu nước đã và đang hợp sức xây dựng đất nước đạt được những thành tựu to lớn và to lớn hơn nữa…

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>