Hành trình của tình người

04/06/2019 | 07:55 GMT+7

Hành trình xác minh thành tích để đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Sáu An (liệt sĩ Trương Công An) là khá dài với không ít khó khăn đã về đến đích nhờ sự nhiệt huyết, tận tâm của nhiều người.

Bà Út Thơm rất tự hào về chiến công hiển hách của cha mình.

Vì ông Sáu An xứng đáng

Nể phục lòng yêu nước, sự gan dạ và chiến công hiển hách của ông Sáu An mà ông Ba Phát (Nguyễn Văn Phát), ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, đã hăng hái cung cấp những thông tin mình biết về quá trình hoạt động cách mạng của ông Sáu.

Ông Ba Phát tham gia cách mạng vào đầu năm 1956 và được phân công hoạt động trong địa bàn xã Hỏa Lựu, do bị lộ nên tổ chức cho ông vào hoạt động bí mật chung với ông Sáu An từ năm 1956-1958. Vì vậy, biết rõ về cuộc đời và thành tích của ông Sáu An ở giai đoạn này.

Không chỉ cung cấp thông tin, ông Ba Phát còn cùng ông Huỳnh Văn Hưởng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh, đi ghi nhận thêm thông tin từ những người vốn quen biết hoặc hoạt động cách mạng chung với ông Sáu An. Hơn 4 năm ròng rã, ông Ba Phát không nhớ đã đi lại bao nhiêu lần để làm hồ sơ thành tích cho ông Sáu An.

“Ông Sáu An đã cống hiến nhiều công lao, chiến tích cho cách mạng. Những người còn sống như tôi phải có trách nhiệm xác nhận, tôn vinh chiến công của người đi trước”, ông Ba Phát bộc bạch.

Kể về quá trình xác minh thành tích của ông Sáu An, ông Huỳnh Văn Hưởng cho biết đã phải đi thu thập thông tin từ nhiều người và trích dẫn thêm sử liệu từ quyển lịch sử Đảng bộ xã Hỏa Lựu giai đoạn 1954-1975. Chưa hết, Ban Tuyên giáo Thành ủy còn tổ chức hẳn một hội thảo để những người sống cùng thời và chiến đấu chung cung cấp thông tin mà họ biết về cuộc đời, sự nghiệp của ông Sáu An.

“Có một số thông tin mà các chú, các bác cung cấp chưa trùng khớp với nhau nên chúng tôi phải xác minh nhiều lần. Khi việc thu thập thông tin đã cơ bản xong thì chúng tôi làm việc với ngành chức năng có liên quan để bảo vệ thông tin mình có… Nói chung, đây là quá trình khá dài, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng chúng tôi muốn làm và phải làm cho bằng được. Vì với nhiều chiến công, thành tích nổi bật trong chiến đấu thì ông Sáu An xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, ông Hưởng nói.

Nhớ về một người anh hùng

Bao nhiêu công sức mà ông Ba Phát, ông Hưởng và nhiều người khác bỏ ra đã được đền đáp khi Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Sáu An (Quyết định số 626 ngày 26/4/2018).

Ngày dự lễ công bố quyết định truy tặng của cha mình, bà Út Thơm (Nguyễn Thị Thơm, vì lý do bí mật trong thời chiến nên bà Út Thơm không theo họ cha), ngụ ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, vui đến rơi nước mắt.

“Thế là tâm nguyện bấy lâu nay của gia đình tôi đã trở thành hiện thực. Quyết định truy tặng của Chủ tịch nước là tài sản vô giá với chúng tôi. Quan trọng là để con cháu biết được trong dòng họ có một người anh hùng hết lòng xả thân vì nước”, bà Út Thơm nói.

Ông Sáu An hy sinh khi bà Út Thơm mới tròn 5 tuổi nên ký ức về người cha không nhiều trong tâm trí của bà.

“Thời đó, cha tôi bị địch liệt vào “danh sách đen” nên lâu lâu mới lén về thăm nhà một lần. Mỗi lần về là cha lại ôm hôn, cho tôi quà bánh. Do cha đi vắng nhà suốt nên một mình mẹ phải tảo tần lo cho con. Lâu lâu mẹ cũng tranh thủ vào thăm để xem cuộc sống của cha như thế nào”, bà Út Thơm nhớ lại.

Trong chút ít ký ức còn lại, bà Út Thơm nhớ cha mình là người cao to, vạm vỡ, khá đẹp người. Ông thường mặc đồ đen, mang khăn quàng cổ trông rất uy dũng.

Riêng ông Ba Phát vẫn còn nhớ như in mọi thứ về ông Sáu An. Ông Ba Phát hay gọi người lãnh đạo bằng ba, vì ông Sáu An bằng tuổi và hoạt động cách mạng cùng thời với thân phụ của ông Ba Phát (liệt sĩ Nguyễn Văn Lộc).

Ông Ba Phát kể: “Ông Sáu An thương tôi như con và chỉ dạy cho rất nhiều điều. Ông là người giỏi võ, tính tình cương trực, mạnh mẽ với kẻ thù nhưng lại rất ôn hòa, chân thành khi tiếp xúc, nói chuyện với người dân nên được lòng nhiều người. Có những lúc trời tối mà đói bụng, hai người chúng tôi đi bắt nhái về kho muối ăn… cầm hơi”, ông Ba Phát kể.

Bên cạnh đó, ông Ba Phát còn khâm phục ông Sáu An ở sự thông minh và tinh thần làm việc có trách nhiệm. “Khi muốn tiêu diệt tên ác ôn nào đó thì ông Sáu An lên kế hoạch rất chi tiết, phù hợp với địa hình, địa thế ở nơi sẽ ra tay, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Nếu nhiệm vụ nào quan trọng và đặc biệt nguy hiểm thì ông sẽ trực tiếp thực hiện”, ông Ba Phát hồi tưởng.

Nhìn quyết định của Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Sáu An mà lòng ông Ba Phát, bà Út Thơm thể hiện rõ sự mãn nguyện, tự hào. Điều mà họ vẫn còn hối tiếc là không biết mộ phần của ông Sáu An ở đâu để sớm hôm chăm sóc.

“Bắt được cha tôi, bọn giặc tra tấn dã man để khai thác thông tin nhưng không được gì. Sau đó, chúng thủ tiêu ông nhưng không biết rõ thời gian và địa điểm ở đâu nên không thể tìm được hài cốt”, bà Út Thơm nói với ánh mắt u buồn.

“Ông Sáu An đã không còn trên cõi đời này nữa để tận mắt chứng kiến niềm vinh dự to lớn ấy. Nhưng đó chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với chiến công và sự cống hiến của ông Sáu An cho cách mạng”, ông Ba Phát nhấn mạnh.

 

Liệt sĩ Trương Công An sinh năm 1907, quê quán Mỏ Cày, Bến Tre, từng làm Xã đội trưởng xã Hỏa Lựu.

Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, ông Sáu An được Ủy ban kháng chiến hành chính xã Hỏa Lựu phân công phụ trách địa bàn ấp Thạnh Thắng, ấp Thạnh Xuân. Nhiệm vụ của ông là bảo vệ không cho bọn lâm tặc trộm cắp, phá rừng do ta tịch thu được từ tay địa chủ Sáu Yến.

Từ năm 1954-1959, ông Sáu An đã trực tiếp chỉ huy đội diệt ác, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo được phân công làm nhiệm vụ tại địa bàn. Kết quả, đã tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp cao của địch, bắt sống 2 tên, bắn bị thương 3 tên, thu được 2 khẩu súng (1 khẩu cacbin và 1 khẩu lulo), góp phần bảo vệ an toàn cho nhiều đồng chí lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tại khu vực nguy hiểm.

Năm 1959, ông Sáu An được phân công bảo vệ 2 đồng chí: Bùi Văn Hinh và Lê Thanh Trị xuống công tác tại địa bàn, nhưng sau đó bị địch phát hiện bao vây. Ông Sáu An bố trí cho 2 đồng chí nhảy xuống sông ẩn vào đám dứa gai phía bên kia sông chạy thoát.

Vào ngày 9-9-1959, địch bố trí gián điệp bắt được ông Sáu An. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng ông đã chỉ thẳng mặt của kẻ thù: “Mày biết tao làm cộng sản. Đúng! Mày đừng hỏi và khai thác gì thêm, hãy chẻ cái đầu của tao ra sẽ thấy lá cờ búa liềm trong ấy”. Biết không thể khuất phục được người cộng sản kiên trung nên giặc đã sát hại ông Sáu An, khi đó ông 52 tuổi.

(Trích Báo cáo thành tích của ông Trương Công An (được xác nhận) đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>