Hiệu quả từ phong trào Đền ơn đáp nghĩa

11/12/2018 | 10:24 GMT+7

Sửa chữa và xây mới nhà ở, tạo điều kiện giúp gia đình chính sách cải thiện cuộc sống, được xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua.

Nhờ đan dây nhựa mà cuộc sống gia đình bà Tuyết đỡ vất vả hơn.

Dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng về xã Tân Long những ngày này, ghé thăm các gia đình chính sách thì nhà nào cũng vui như hội. Bởi lẽ, họ vừa được địa phương hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà để đón tết trong đủ đầy, sung túc. Bà Phạm Thị Mai (con liệt sĩ), ở ấp Thạnh Lợi C, nhận hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa nhà, bộc bạch: “Hai bên vách nhà mục nát lâu rồi, mưa dột ướt hết, mà đâu có tiền sửa nên được địa phương quan tâm, hỗ trợ, tôi mừng quá. Bây giờ, ban đêm tôi an tâm ngủ, chứ ổng bị tai biến, đi lại khó khăn mà lỡ nhà sập không biết tính sao”. Ở tuổi ngoài 60, gia đình không có đất sản xuất, nên mấy mươi năm qua ước mơ sửa lại căn nhà với vợ chồng bà Mai là điều không thể. Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ địa phương giúp bà Mai cảm thấy ấm lòng hơn trong những ngày xuân cận kề. Bà Mai còn khoe mới dành dụm ít tiền mua cao su dán lên tường cho nhà sáng hơn để ăn tết.

Tính từ đầu năm đến nay, địa phương đã vận động xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa, trị giá 40 triệu đồng; theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, xã Tân Long được phân bổ xây mới 18 căn nhà (40 triệu đồng/căn) và sửa chữa 30 căn (20 triệu đồng/căn), tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng. Hiện tại, hơn 50% số nhà đã được bàn giao, riêng các hộ còn lại sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Điều này, giúp giải quyết cơ bản khó khăn của những gia đình chính sách có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn xã.

Vợ chồng bà Mai rất vui mừng khi được địa phương hỗ trợ sửa chữa nhà.

Bên cạnh đó, xã còn tạo mọi điều kiện để gia đình chính sách được vay vốn sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi,… đặc biệt là mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, dạy nghề, đảm bảo an cư, lạc nghiệp. Riêng lớp đan dây nhựa, khi học viên thạo nghề, địa phương sẽ liên kết với các công ty cung ứng nguyên liệu, tạo việc làm xuyên suốt. Bà Đỗ Thị Tuyết (con liệt sĩ), ở ấp Phụng Sơn B, cho biết: “Nhờ địa phương hướng dẫn kỹ thuật, nên tôi bắt đầu đan các sản phẩm thủ công bằng dây nhựa được hơn 1 năm nay. Bình quân mỗi ngày, tôi thu nhập từ 80.000 đến 100.000 đồng, góp phần trang trải cuộc sống gia đình, đặc biệt là có điều kiện lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn”. Hiện bà Tuyết cũng chịu trách nhiệm quản lý tổ đan dây nhựa của ấp với hơn 10 thành viên, nguồn hàng luôn được đảm bảo. Để sản phẩm đẹp, người đan phải giữ dây thẳng và khít, chất lượng tốt nên nhận được sự hài lòng từ nơi tiêu thụ. Nhờ vậy, mà những phụ nữ ở đây vừa tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập, lại chăm sóc được con cái.

Với sự nỗ lực và cố gắng từ địa phương, đời sống các gia đình chính sách trên địa bàn xã Tân Long ngày càng cải thiện rõ nét. Đó sẽ là niềm tin, động lực giúp chính quyền địa phương xã Tân Long thực hiện tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa. Ông Nguyễn Vũ Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: “Hiện chúng tôi đang triển khai xây dựng kế hoạch chuẩn bị Tết Nguyên đán sắp tới, cố gắng để gia đình chính sách nào cũng có quà vui xuân dù ít hay nhiều, nhưng đó là tấm lòng. Đồng thời, tiếp tục mở nhiều lớp đào tạo nghề, cho vay vốn, tạo điều kiện tốt nhất để gia đình chính sách ổn định cuộc sống”.

Xã Tân Long có 513 gia đình chính sách, trong đó, 115 gia đình hưởng trợ cấp thường xuyên, với số tiền hơn 167 triệu đồng/tháng. Xã hiện còn 4 gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, chiếm 0,78% và 12 hộ cận nghèo, chiếm 2,34%.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>