Khả quan công tác cải cách hành chính

11/12/2019 | 19:08 GMT+7

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo; các sở, ban, ngành và địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (bìa trái) và ông Lê Tiến Châu (bìa phải), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khảo sát thực tế hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Theo ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, điều đó được minh chứng thông qua kết quả các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính năm 2018 đều tăng điểm so năm 2017, có 3 trong tổng số 4 chỉ số tăng hạng.

Cụ thể, năm 2018, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so năm 2017 và đứng thứ 7/13 tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 6 bậc so năm 2017 và xếp 44/63 tỉnh, thành; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp 20/63 tỉnh, thành, tăng 18 bậc so năm 2017 và xếp 6/13 tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhìn nhận những hạn chế để tiếp tục cố gắng khắc phục.

Đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả chưa cao, triển khai các phần mềm dùng chung và các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn chậm, chưa thân thiện với người dùng và thiếu tính tương tác với người dân và doanh nghiệp.

Đó là công tác phối hợp rà soát, cập nhật, trình công bố các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi, chức năng quản lý của một số ít đơn vị chậm so với yêu cầu. Việc cập nhật, niêm yết công khai TTHC tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC có thực hiện nhưng đôi lúc chưa kịp thời nên việc tra cứu, thực hiện TTHC của cá nhân, tổ chức đôi lúc gặp khó. Tính chủ động trong tổ chức thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Một bộ phận cán bộ còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; công tác phối hợp trong giải quyết công việc của một số sở, ngành, địa phương còn hạn chế; tinh thần, thái độ và sự vào cuộc trong công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có lúc còn lơ là; một số lãnh đạo đơn vị, địa phương thiếu tính nêu gương; thiếu tinh thần đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.

Với những kết quả đạt được và hạn chế nêu trên, ông Lê Tiến Châu cho biết trong năm 2020, UBND tỉnh sẽ tập trung vào một số khâu đột phá. Cụ thể, tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, trong đó ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện, nâng cấp phần mềm dịch vụ công đảm bảo đầy đủ chức năng theo quy định, thân thiện, dễ sử dụng và có tính tương tác cao với người sử dụng; tiếp tục triển khai hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong thực thi công vụ; thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về đánh giá công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính.

Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả, thực chất các công cụ đánh giá, xếp hạng thực hiện công tác cải cách hành chính và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của các sở, ban, ngành và địa phương. Đặc biệt, quý I/2020, lần đầu tiên, UBND tỉnh sẽ công bố Chỉ số cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh năm 2019 (gọi tắt là DDCI).

Vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

“Một trong số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm 2020 đó là tiếp tục hành động để hướng đến mục tiêu xây dựng Chính quyền Hậu Giang thân thiện, kiến tạo, luôn hành động và đồng hành cùng người dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư; xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó từng cán bộ, công chức phải có thái độ phục vụ, luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.

Cũng như tiếp tục phát huy tốt các cơ chế đối thoại với mọi đối tượng trong xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và hợp tác xã để lắng nghe, tiếp thu ý kiến trong công tác xây dựng thể chế và cải thiện hoạt động của chính quyền. Triển khai quyết liệt, đi tắt, đón đầu để xây dựng thành công chính quyền điện tử.

Trước ý kiến phản ánh còn không ít cán bộ, công chức chưa toàn tâm, toàn ý, thiếu yên tâm công tác, còn một bộ phận gây phiền hà cho Nhân dân và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu khẳng định: “Với tư cách người đứng đầu, quan điểm của tôi là không bao che và phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ cố tình gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”.

Bởi theo Chủ tịch UBND tỉnh, từ ngày 10/7/2017, Văn phòng UBND tỉnh đã công khai số điện thoại đường dây nóng để Nhân dân trực tiếp phản ánh ý kiến với lãnh đạo tỉnh để kịp thời xử lý, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân và doanh nghiệp. Qua rà soát, nội dung phản ánh về thủ tục hành chính chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số ý kiến phản ánh qua đường dây nóng và năm 2019 các báo cáo ý kiến, kiến nghị cử tri do Ủy ban MTTQ tỉnh gửi UBND tỉnh cũng không có nội dung phản ánh về vấn đề nêu trên.

Do đó, ông Lê Tiến Châu trân trọng đề nghị người dân ngay khi phát hiện cán bộ gây khó dễ, phiền hà, hãy gọi điện cho đường dây nóng đã công bố và thông báo ngay cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ vi phạm để chỉ đạo, xử lý nghiêm.

Về giải pháp căn cơ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, chấn chỉnh đạo đức, phong cách, lề lối làm việc, nhất là trong giao tiếp và ứng xử. Phát hiện và xử lý kịp thời các cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nguyên tắc, quy định trong tiếp công dân nói chung và trong hoạt động tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC nói riêng.

Rà soát trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ, công chức để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng giao tiếp đáp ứng sự hài lòng cao nhất của Nhân dân và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra công vụ, cải cách hành chính, kiểm tra việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, thái độ gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính…

Nhiều kết quả trong cải cách bộ máy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu cho rằng Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nghị quyết rất quan trọng của Trung ương, tác động toàn diện đến hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Do đó, quá trình triển khai, thực hiện phải cẩn trọng từng bước, với cơ sở chính trị, pháp lý chặt chẽ, phù hợp thực tiễn.

Qua gần 3 năm triển khai, thực hiện nghị quyết, Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, tất cả 19 sở, ban, ngành tỉnh đã xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự; phương án sắp xếp của 19 sở, ban, ngành tỉnh.

Cụ thể, từ 137 phòng chuyên môn sắp xếp còn 89 phòng chuyên môn, giảm 48 phòng, giảm 69 trưởng, phó phòng thuộc sở, ban, ngành; sắp xếp 16 ban, chi cục trực thuộc sở còn 13 chi cục (giảm 3 chi cục); giảm 56 phòng trực thuộc ban, chi cục; giảm 47 trưởng phòng, phó trưởng phòng thuộc ban, chi cục (thực hiện chế độ chuyên viên).

Hội đồng xét duyệt tỉnh đã họp thông qua 10 đề án; UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của 4 đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo và thực hiện thí điểm thành công việc thi tuyển đối với 2 vị trí Phó Giám đốc Sở Công thương, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm của các địa phương khác và ý kiến chỉ đạo của Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị, chứ không chạy theo thành tích”, ông Lê Tiến Châu nói.

 

GIA NGUYỄN ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>