Kỷ niệm 108 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2019): Lưu giữ và trao truyền kỷ vật về Bác

05/06/2019 | 15:07 GMT+7

Những ngày này, TPHCM nói riêng, cả nước nói chung cùng hòa trong không khí kỷ niệm 108 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước.

Có mặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM vào những ngày đầu tháng 6, ai cũng có chung một cảm xúc, đó là lòng cảm phục, tri ân sâu sắc đối với những cống hiến và hy sinh to lớn của Người.

Thế hệ trẻ tìm hiểu về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM. Ảnh: THU HƯỜNG

Giáo dục bằng trực quan sinh động

Đều đặn 7 năm qua, Ban Chỉ đạo hè phường 7 (quận Phú Nhuận) tổ chức cho đoàn viên và các em thanh, thiếu nhi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh vào dịp này.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư Đoàn phường 7, cho biết, giáo dục truyền thống cho các em nhỏ cần những hình thức trực quan sinh động, và để giáo dục lòng yêu nước thì không tấm gương nào vĩ đại bằng Bác Hồ kính yêu.

Anh chia sẻ: “Có thể nói, đây là nơi khởi nguồn rõ nét nhất tình yêu mà Người dành cho đất nước, cho dân tộc, nơi Người quyết tâm bôn ba để tìm bằng được con đường giải phóng dân tộc… Sau 7 năm đưa các em tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, chúng tôi cảm nhận tình cảm các em dành cho Bác đã được khắc họa rõ nét hơn, bằng những việc làm cụ thể trong học tập cũng như rèn luyện trong cuộc sống”.

Hào hứng lắng nghe từng lời của hướng dẫn viên, ghi nhớ những bức hình ghi dấu chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ, em Cẩm Thanh Hùng, học sinh lớp 8 Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Phú Nhuận), cho biết đây là lần thứ 2 em đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM.

“Ngày trước em đọc sách lịch sử đã biết về câu chuyện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và những việc Bác đã làm trong hành trình 30 năm ấy. Nhưng 2 năm nay, được tới bảo tàng tham quan, từ thực tế bến cảng nơi Người ra đi, qua các tấm ảnh, các vật dụng Người để lại, em càng kính trọng và khâm phục Bác hơn”.

Càng đặc biệt hơn, dịp này nhiều cơ sở Đảng ở các phường, quận, đơn vị, trường học tại TPHCM và các tỉnh lân cận đã tổ chức sinh hoạt chi bộ, về nguồn tại bảo tàng. Nhiều đoàn tham quan là những đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí cũng đã đến tìm hiểu về hành trình tìm đường cứu nước của Người cũng như tổ chức tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình học tập và làm theo tấm gương, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh ngay tại bảo tàng.

Chỉ trong nửa cuối tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM đã thu hút gần 45.650 lượt người tham quan, tăng gần 175% so với tháng trước.

Những hoạt động tri ân

Bên cạnh nhiều hoạt động tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, những ngày này cũng diễn ra các hoạt động lưu giữ và trao truyền những hình ảnh, hiện vật về Bác. Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM có triển lãm chuyên đề “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Hội Những người yêu nước Việt Nam tại Pháp”, đón khách đến hết ngày 30-6.

Theo thông tin từ Sở VH-TT TPHCM, đơn vị này đang phối hợp hỗ trợ Sở VH-TT-DL tỉnh Nghệ An thực hiện Dự án thiết kế nâng cấp, chỉnh lý phòng trưng bày tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Vào cuối tháng 5-2019, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở VH-TT TPHCM đã làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, Sở VH-TT-DL tỉnh Nghệ An nghe báo cáo và thống nhất phương án thiết kế nâng cấp, chỉnh lý phòng trưng bày tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là công trình do Thành ủy TPHCM hỗ trợ, tặng tỉnh Nghệ An trong Chương trình thỏa thuận hợp tác phát triển giữa hai địa phương và thực hiện theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - là một trong những nội dung hoạt động quan trọng của Đảng bộ TPHCM nhân 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019).

Trước đó, từ đầu năm 2019, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở VH-TT TPHCM và Bảo tàng TPHCM - đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện công trình - đã khẩn trương xây dựng phương án thiết kế, đề cương chỉnh lý nội dung, đề cương chi tiết và giải pháp trưng bày...

Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp về cơ sở vật chất và phương thức trưng bày, nội dung trưng bày cũng sẽ được biên tập, sắp xếp đảm bảo logic hơn, bổ sung thêm các tài liệu, hiện vật tiêu biểu phù hợp với từng chủ đề: quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Người đối với quê hương - quê hương đối với Người...

Những hoạt động lưu giữ và trao truyền những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Bác đang diễn ra ở nhiều địa phương, thể hiện tình cảm của người dân Việt Nam đối với những công lao, cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 

Theo THU HƯỜNG - MINH AN/sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>