Làm rõ nhiều vấn đề nổi cộm về quy hoạch, quản lý đô thị

17/08/2017 | 09:04 GMT+7

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa qua đã nổi lên nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng như việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị hiện nay.

Bà Nguyễn Thanh Thủy (đứng) tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hậu Giang.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đặt vấn đề: Thực tế cho thấy, quy hoạch đô thị ở nước ta rất thiếu tầm nhìn. Chứng cứ là đô thị nào cũng bị ô nhiễm môi trường như nước thải, rác thải; các đô thị lớn thì ách tắc giao thông, đặc biệt nhiều đô thị vừa làm đường xong, kinh phí rất lớn nhưng hình ảnh hết sức nhếch nhác, toàn nhà bé, nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên,… Bộ nhìn nhận vấn đề trên ra sao, có tình trạng nắm trước quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để trục lợi không, trách nhiệm của Bộ thế nào và có giải pháp gì để khắc phục?

Giải trình vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận: Trong quy hoạch đô thị còn có những hạn chế mà nổi bật là: Chất lượng lập quy hoạch như tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa cao; quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện dẫn tới tình trạng quy hoạch treo;... Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, từ đó làm phát sinh hệ lụy trong quá trình phát triển đô thị như ùn tắc giao thông, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn chiếm đất đai,...

Vấn đề đặt ra là có hay không trong trục lợi quy hoạch, bộ trưởng cho rằng về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu của trục lợi. Qua đó, bộ trưởng nhận trách nhiệm của ngành trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong quá trình xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi... Vì thế tới đây, Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch...

Còn bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chất vấn: Thời gian qua, cử tri cả nước bức xúc trước tình trạng xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công, kể cả đất quốc phòng - an ninh. Điều đáng nói ở đây là việc xử lý chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng nể nang. Vậy trách nhiệm của bộ trưởng trong việc xử lý vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng có cam kết gì nhằm không để xảy ra tình trạng đó trong thời gian tới và có xử lý nghiêm được thực trạng xây dựng trái phép, không phép như thời gian qua hay không?

Về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định đây là thực tế có thật. Dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường công tác quản lý, nhất là tại các đô thị lớn. Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, trong khi cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm. Trên cơ sở đó, bộ trưởng cho biết sẽ cho triển khai các giải pháp thông qua việc hoàn thiện những quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng...

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận có tình trạng sử dụng đất trong đô thị chưa hiệu quả, đặc biệt là tình trạng nôn nóng, mở rộng diện tích đô thị, dẫn tới tình trạng phân tán, lấn chiếm nên thời gian tới cần đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị. Riêng về cam kết “khi nào chấm dứt” tình trạng xây dựng không phép, trái phép, bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề khó, cần có sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương với địa phương.

Xung quanh về vấn đề mà đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đặt ra về thực trạng khu dân cư vượt lũ hiện nay xuống cấp và thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ nên đã khiến cho người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ có kiểm tra cụ thể nhằm khắc phục những bất cập trong quy hoạch các khu dân cư vượt lũ tại đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng liên quan đến vấn đề an cư cho người dân, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đơn vị tỉnh Bến Tre) nêu thực trạng: Việc quy hoạch nhà ở, khu dân cư, tái định cư cho vùng thường xuyên có nguy cơ bị thiên tai chưa được quan tâm thỏa đáng nên Bộ Xây dựng cần sớm có giải pháp khắc phục bất cập đó. Về vấn đề này, người đứng đầu Bộ Xây dựng thông tin, bộ đang rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch các điểm dân cư; nghiên cứu các giải pháp về kỹ thuật xây dựng công trình để thích ứng với các tình trạng thời tiết cực đoan như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở miền núi...

Giải trình, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng công tác lập quy hoạch nói chung, và quy hoạch đô thị nói riêng thời gian qua được các địa phương tập trung thực hiện. Tuy đã rất nỗ lực, song nhiều khu vực phát triển nhanh, trong khi việc lập quy hoạch xây dựng chậm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng phát triển đô thị. Hệ thống quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ; chất lượng không ít quy hoạch còn thấp, phải điều chỉnh nhiều lần. Tình trạng điều chỉnh quy hoạch ở một số nơi còn tùy tiện, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả, gây thất thoát tài nguyên.

Do đó tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển. Trước hết là rà soát, đánh giá tổng kết Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng để cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển nói chung. Mặt khác đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết về đô thị, đi đôi với nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch xây dựng cũng như với Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng; chú trọng đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ từ điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn,…

NGUYỄN GIA lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>