Lòng tin và sức mạnh

07/11/2017 | 07:56 GMT+7

Nhắc đến Cách mạng Tháng Mười Nga chúng ta không thể không nói đến Vladimir Lênin cách mạng. Nhắc lại sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu (năm 1989-1991), người ta cũng không quên một Vladimir Lênin vĩ đại. Giai đoạn 1989-1991 và sau đó vài năm ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động của đảng cộng sản các nước. Tỉnh Hậu Giang cũng có một vài tiểu tiết nhỏ và về vấn đề xây dựng Đảng hiện nay...

Lòng tin đã giúp Việt Nam có thêm sức mạnh vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Ảnh: LÝ ANH LAM

Trung kiên khi Đảng khó khăn

Nhắc đến giai đoạn 1989-1991, ông Huỳnh Văn Thắng, Bí thư Chi bộ ấp Phương Lạc, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, nhớ rất rõ. Đây là năm ông vào Đảng (ngày 21-6-1991) và đang trong quá trình thử thách. Ông nói, vào Đảng là làm cách mạng, chỉ có theo Đảng Cộng sản mới tiếp tục con đường đổi mới của dân tộc.

Ông kể khi ấy biết chút ít về tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều đảng phái, biết nguy cơ sụp đổ của nhiều quốc gia cộng sản nhưng luôn có tư tưởng vững vàng là phải theo con đường Bác Hồ lựa chọn. “Trước khi vào Đảng, tôi phấn đấu rất cật lực, phải làm nhiều việc để dân tin, tập hợp được dân. Cụ thể là hồi ấy huy động được hàng trăm dân làm 1 công trình giao thông, thủy lợi dài 1,5km (tuyến kênh Út Cẩn - PV), huyện xuống kiểm tra, công nhận mới vinh dự được xét đứng vào hàng ngũ của Đảng”, ông Thắng nhớ lại.

Cũng một lòng theo Đảng thời khó khăn, ông Phạm Văn Nhiều, Phó Bí thư Chi bộ ấp Phương Lạc (vào Đảng ngày 5-5-1992), khi ấy không mấy bi quan về Đảng Cộng sản Việt Nam. “Lúc ấy tôi không bận tâm lắm về chuyện của Liên Xô. Tôi thấy rất tin tưởng bởi Đảng lúc đó (cán bộ, đảng viên - PV) luôn vì lợi ích chung; thật sự không thấy có tham nhũng, lợi ích nhóm”, ông Nhiều bộc bạch.

Kinh qua nhiều chức vụ ở xã, huyện, tỉnh, ông Lương Bằng Thiên, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, nói lúc ấy chỉ có quan điểm, tư tưởng lạc quan về Đảng là chưa đúng, cũng có người đòi đa nguyên, đa đảng, viết đơn xin ra khỏi Đảng…

Ông Lương Bằng Thiên nói, cái chính là các cấp đã kịp thời làm công tác tư tưởng trong nội bộ, ra đoàn thể và quần chúng nhân dân. “Tôi cũng cho rằng, trước đó do Đảng ta đổi mới kinh tế, mở cửa thành công, có hiệu quả, đời sống cán bộ, nhân dân nâng lên nên đại đa số mọi người tin rằng Đảng sẽ vượt qua được khó khăn này”.

Và thực sự lòng tin ấy đã tạo nên sức mạnh to lớn cho Đảng đạt được rất nhiều thành tựu. Liên tục sau nhiều năm đổi mới (năm 1986) và sau “sự cố Liên Xô”, đất nước chuyển mình mạnh mẽ, lợi ích của Đảng và của nhân dân gắn chặt.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Thông từng nhận xét, 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó là đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh.

Những trăn trở, đòi hỏi chính đáng

Ai đã làm nên kỳ tích ấy? Thành tựu ấy vì ai? Lòng tin đã làm nên tất cả. Lòng tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thôi thúc Đảng ta phải phấn đấu, nỗ lực, cống hiến, hy sinh vì lợi ích đất nước, vì lợi ích dân tộc. 

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, nhiều đại biểu thống nhất rằng, chính việc đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc là một trong những nguyên nhân làm tan rã Liên bang Xô Viết.

Đại hội XII của Đảng và trước đó nhiều văn kiện quan trọng khẳng định Đảng ta phải luôn giữ vững bản chất, là Đảng của nhân dân tiến bộ; phát triển kinh tế phải đáp ứng được yêu cầu của đa số nhân dân. Đây là một trong những con đường để bảo vệ chính quyền, củng cố vị trí của Đảng trong lòng dân tộc.

Lênin từng khẳng định: “Cách mạng phải biết tự bảo vệ và có sức mạnh tự bảo vệ”. Bài học này, từng giai đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam được vận dụng triệt để, sáng tạo. Trong công cuộc chỉnh đốn Đảng là rất nhiều văn kiện để tuyên truyền, thực hiện bảo vệ thành quả cách mạng, răn đe vi phạm, xử lý vi phạm, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, vi phạm đạo đức, suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn xảy ra với mức độ khác nhau, tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn, có tổ chức chặt chẽ, cấu kết giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế,… làm sa sút lòng tin của dân với Đảng.

Liên tục những năm gần đây, Đảng ta phát động, đẩy mạnh, duy trì học tập và làm theo gương Bác, liên tục chỉnh đốn Đảng là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, họ quên hẳn lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước, chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân. Bản chất của vấn đề, nhiều trường hợp cán bộ suy thoái chính trị, mất đạo đức, bị kỷ luật, xử lý hình sự không gì khác hơn là tiền.

Ông Phạm Thanh Vận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Cần Thơ, cho biết nguyên nhân là do chưa có nghị quyết nào táo bạo nên không tạo được phong trào chống tiêu cực, tham nhũng mạnh mẽ. Phương châm “Lấy hoa thơm lấn cỏ dại” ngày trước nay ít hiệu quả nên Đảng, cấp ủy Cần Thơ, Hậu Giang phải có biện pháp mạnh hơn để xử lý cán bộ sai phạm, bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân đã gầy dựng.

Ông Lê Văn Phượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nêu cụ thể vụ Trịnh Xuân Thanh về bản chất là tiền và đa số các vi phạm của cán bộ ở nhiều lĩnh vực thời buổi này cốt yếu là tiền. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tho, Phó trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, so sánh tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm ngày nay khá nhiều so với trước đổi mới. Có người ngày nay vào Đảng để thực hiện ý đồ cá nhân hơn là ý thức, lý tưởng cách mạng cao cả. “Cán bộ, đảng viên không có điều kiện tham nhũng và người dân thấy cán bộ tham nhũng, giàu có lên nên họ thiếu lòng tin; nhiều cán bộ, đảng viên muốn giàu, muốn có quyền lực nên phải bằng mọi thủ đoạn”, ông Tho trăn trở.

Trăn trở ấy cũng là đòi hỏi phải thay đổi từ nhận thức đến hành động. Ông Huỳnh Văn Thắng, Bí thư Chi bộ ấp Phương Lạc, nói rất lo đến sự tồn vong của chế độ vì nhiều lý do. Lo mà vẫn tin vì Đảng đang chỉnh đốn quyết liệt. Trong khi đó, ông Phạm Thanh Vận đặt nặng yêu cầu về yếu tố thông tin, cho rằng nếu mọi vấn đề đều công khai, minh bạch để nội bộ và nhân dân rõ thì tham nhũng, tiêu cực, mua quan bán chức, lợi ích nhóm không có chỗ dung thân.

Đòi hỏi chính đáng khác được ông Nguyễn Văn Tho đặt ra là cán bộ phải gương mẫu, đoàn kết thực sự; học và làm theo Bác không thể không thực chất. Ông Lương Bằng Thiên thì nhấn mạnh đến việc phải triệt tiêu lợi ích nhóm; phải xử lý mạnh tay, đúng luật đảng viên, cán bộ sai phạm…

Và còn nhiều giải pháp cho vấn đề đảng viên, cán bộ biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến công tác chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm,… kết quả là nhiều đại án đã được xử lý đến nơi đến chốn. Trước đó, các biện pháp tuyên giáo có lẽ chưa đủ mạnh, đạo đức chưa đủ thấu, đạo lý chưa đủ răn, liêm sỉ chưa đủ chuyển nên gần đây Đảng và Nhà nước phải xử, xử một người vì nhiều người, vì lòng tin của nhân dân. Đó là “sức mạnh tự bảo vệ” của Đảng Cộng sản Việt Nam vì dân tộc, vì đất nước!

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>