Luôn thi đua thực hiện những điều có ích

22/09/2020 | 19:54 GMT+7

Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phát động đều thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, xuất hiện rất nhiều cá nhân điển hình góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào trên khắp các lĩnh vực.

Ông Quang (thứ 2 từ phải sang) trao tiền, quà cho người dân bị ảnh hưởng do mưa bão.

Thi đua làm việc nhỏ

Là con một trong gia đình đồng bào dân tộc Khmer ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, em Lý Minh Mẫn, học sinh lớp 9, Trường THCS Võ Thị Sáu, thị trấn Bảy Ngàn, trở thành gương sáng cho nhiều em ở địa phương học theo về tinh thần hiếu học.

Em Lý Minh Mẫn, lớp 9, Trường THCS Võ Thị Sáu.

Sinh ra trong gia đình nông dân, cha mẹ không có điều kiện học tập nhiều nên gia đình Mẫn luôn kỳ vọng và vun đắp cho con mình cái chữ để sau này có tương lai xán lạn. Đáp lại, suốt 8 năm qua, Mẫn luôn đạt thành tích học tập tốt; đặc biệt, năm học 2018-2019, Mẫn xuất sắc đạt giải nhất tại Hội thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc.

“Để giúp nông dân nuôi thủy sản giảm bớt công việc, nâng cao hiệu quả nuôi trồng, em cùng với một anh học cùng trường phối hợp nhau phát triển ý tưởng thành sản phẩm có thể áp dụng vào thực tế. Chúng em đã nghiên cứu lập trình nên hệ thống hỗ trợ nuôi trồng thủy sản thông minh và được trường cho tham gia Hội thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên em được tham gia làm một sản phẩm khó và cũng là lần đầu tham gia một hội thi lớn như vậy. Kết quả đạt giải nhất là điều tuyệt vời đối với bản thân em”, em Mẫn chia sẻ.

Với hệ thống hỗ trợ môi trường thủy sản thông minh của Mẫn, khi ứng dụng thực tế sẽ giúp ích rất nhiều cho người nuôi cá trong cho cá ăn, phun thuốc cho cá từ trên cao, thu hút côn trùng gây hại ở ao nuôi, quản lý môi trường nước, nhiệt độ và chống trộm.

Ngoài thành tích cao trong kỳ thi đó, ở trường Mẫn được thầy cô biết đến là một học sinh chăm ngoan, có nhiều nỗ lực trong học tập. Em cũng rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào do trường phát động.

Cô Trần Thị Như Son, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, cho biết: “Có nhiều năm liên tục dạy môn Anh văn cho Mẫn và chủ nhiệm em năm học rồi nên tôi thấy Mẫn là học sinh rất có ý thức cầu tiến. Gia đình vốn thuộc diện khó khăn nhưng em luôn nỗ lực phấn đấu để học tập tốt. Đối với môn tôi dạy thì từ năm lớp 6 đến nay nhận thấy sự tiến bộ rất rõ của em. Em cũng rất tích cực trong tham gia các phong trào ở trường; gần gũi, hòa nhã, nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập”.

Gia đình Mẫn chỉ có 1 công đất lúa. Mấy năm nay, mẹ Mẫn mắc bệnh nên không còn khả năng lao động kiếm tiền lo gia đình. Mọi gánh nặng cơm áo, chi phí học hành, thuốc men của mẹ con Mẫn đều do cha em gánh vác. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, Mẫn không có tính đua đòi và luôn biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để được đi học.

“Điều Mẫn lo sợ nhất là cho nó nghỉ học. Nhiều lần thử lòng con, tôi kêu Mẫn nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình nhưng nó quyết xin mẹ cho học đến cùng. Để có chi phí học tập, vào những tháng hè, Mẫn thường tổ chức dạy kèm rèn chữ, dạy toán cho các em nhỏ trong xóm. Thù lao mỗi buổi chỉ vài chục ngàn đồng nhưng nó biết tích góp, dành dụm để có đủ tiền phụ mẹ lo chi phí tập vở cho mình đầu năm học”, bà Thị Ái Xi, mẹ của Mẫn bộc bạch. 

Có thể đối với những bạn đồng trang lứa, Mẫn không quá nhiều nổi bật về thành tích học tập nhưng điều xứng đáng nhất là sự hiếu học và nỗ lực vượt khó vươn lên của chính bản thân em.

Hết lòng cho xã hội

Nhiều năm nay, cái tên Lâm Minh Quang trở nên quen thuộc, gần gũi với các cảnh đời khó khăn quanh khu vực chợ thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp và địa phương lân cận. Ông còn được người dân ví von như “ông Bụt” bởi hơn 10 năm miệt mài với công tác thiện nguyện, ông Quang cùng với các thành viên Câu lạc bộ Người tình nguyện thị trấn Búng Tàu (CLB) đã mang đến biết bao nhiêu niềm vui cho những cảnh đời khốn khó.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác ở tấm lòng nhân ái, những năm qua, gia đình ông Quang cùng 53 thành viên của CLB luôn tình nguyện đóng góp và huy động các nguồn lực xã hội để cùng chính quyền địa phương chăm lo hộ nghèo, hộ khó khăn, đóng góp xây dựng cầu, đường, nhà ở.

Theo ông Quang, khoảng năm 2007, trong hoạt động mua bán hàng ngày của gia đình thường nghe nhiều người nói về những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Vậy là ông chủ động đến và tìm cách giúp đỡ. Ban đầu tự khả năng gia đình hỗ trợ, dần dần ông nhận thấy xã hội có quá nhiều hoàn cảnh khó cần giúp nên kêu gọi bạn bè, người thân chung tay. Cứ thế mà thành lập nên CLB với 54 thành viên để cùng nhau vận động kinh phí làm công tác thiện nguyện.

Ông Quang cho biết: “Ban đầu không nghĩ chúng tôi sẽ làm được nhiều như vậy. Càng ngày cứ thấy ai khó khăn thì giúp và kêu gọi nhiều người cùng làm nên hoạt động của CLB ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhớ ngày đầu thành lập chỉ 7 thành viên nhưng nay tăng lên rất đông”.

Cái hay của CLB do ông Quang làm chủ nhiệm đó là các thành viên không phải là người có điều kiện kinh tế khá giả mà còn có những người buôn bán nhỏ, người bán vé số… “Ai cũng có thể tham gia vào CLB của chúng tôi, muốn đóng góp bao nhiêu tùy khả năng mỗi người. Có những người sau khi được giúp đỡ vượt qua lúc khó khăn rồi thì hăng hái, tình nguyện tham gia cùng các hoạt động thiện nguyện”, ông Quang tiết lộ.

Trong 13 năm qua, CLB đã hỗ trợ xây dựng được hơn 100 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, trị giá mỗi căn 30-35 triệu đồng; hỗ trợ hàng ngàn suất học bổng, tập sách cho học sinh nghèo hiếu học; tặng hàng trăm ngàn phần quà là nhu yếu phẩm cho người nghèo, người già neo đơn, bệnh tật; xây dựng nhiều công trình cầu, đường bê tông giúp người dân vùng sâu, vùng xa đi lại thuận tiện.

Từ khi thành lập đến nay, CLB luôn duy trì cho gạo ăn hàng tháng đối với 14-15 địa chỉ cố định là người già neo đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo. Tính ra bình quân mỗi năm, CLB vận động khoảng 1 tỉ đồng thực hiện các hoạt động từ thiện trong và ngoài địa bàn tỉnh.

Bốn tháng nay, gia đình chị Ngô Thị Huệ, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, thoát khỏi cảnh nhà dột nát, chờ sập. Nhà không ruộng đất, không công việc ổn định nên vợ chồng chị chủ yếu làm mướn lo cơm từng ngày, chưa có đủ tiền sửa sang dù nhà quá xuống cấp. Biết được hoàn cảnh chị Huệ, ông Quang cùng các thành viên CLB đóng góp kinh phí cất lại căn nhà mới cho chị trị giá 30 triệu đồng. Căn nhà có tổng diện tích trên 40m2 được xây dựng khá vững chắc với kết cấu mái tôn, vách tôn, cột thép và nền gạch. “Chi phí vật tư xây dựng, thợ lắp ráp nhà hoàn toàn do CLB của chú Quang thực hiện. Chồng tôi chỉ có ra công làm cùng. Được căn nhà như thế này vợ chồng tôi vui không thể tưởng”, chị Huệ nói.

Chia sẻ về những điều mình làm cho xã hội, ông Quang đúc kết: “Khi những cảnh đời khó khăn, khốn khổ cảm thấy vui và hạnh phúc vì được cất nhà, nhận quà, học bổng hay đi trên con đường mới, cây cầu đẹp thì đó cũng chính là niềm vui của chúng tôi. Có gì vui hơn khi bản thân mình đem lại niềm vui cho người khác”.

Ở em Mẫn hay ông Quang, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, có những điểm sáng khác nhau, tuy nhiên họ có một điểm chung là luôn thi đua thực hiện những điều có ích, nỗ lực làm tốt vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội. Những đóng góp của họ dù ít hay nhiều cũng đều góp phần làm đẹp xã hội, cho sự phát triển chung của địa phương...

Theo kết quả khen thưởng từ các phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hậu Giang 5 năm (2016-2020), toàn tỉnh có 372 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 582 cá nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 14.204 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh...

 

Thi đua sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn

Để thi đua đi đến kết quả tốt đẹp, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11-6-1948), Bác Hồ viết:

“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Đồng bào công nông thi đua sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân…

Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

 

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>